dọc triền sông, đem theo ánh nắng vàng ấm áp. Vợ tôi mặc dù sức cảm thụ
không mạnh như ba tôi nhưng cũng kêu lên: "Đẹp dữ". Bé Diệu Linh hỏi:
"Nhà mình ở đâu ba?" Tôi chỉ cái vệt xanh đằng trước: "Đó. Đó. Nhà mình
ở chỗ kia kìa". Nó cứ tíu tít: "Ở đâu ba? Sao con không nhìn thấy?". Điện
thoại trong túi tôi réo lên sùng sục, hết người nọ gọi lại đến người kia gọi
xem đã về đến đâu rồi. Má tôi giục: "Anh ơi, mình đi thôi kẻo anh chị sui
mong".
Đi dọc sông Hồng chừng bốn km rồi rẽ xuống đường bê tông chạy qua
cánh đồng là đến làng tôi. Một biển vàng đột ngột hiện ra. Ba tôi hỏi: "Gì
thế này?" - "Hoa cải đó ba" - "Trời đất"! Ba tôi kêu lên rồi vùng chạy cho
tới gần hơn: "Đẹp quá! Sao lại đẹp đến cỡ này mà ba không hay". Má tôi
cười: "Động phải cái túi thơ của ổng rồi". Tôi thấy vui vui. Ba tôi vui là tôi
thích. Đã là người Việt Nam, ai mà chả có túi thơ! Bố tôi cũng làm thơ, cái
"túi thơ" của bố tôi cũng có vài bài toàn súng ống đạn dược rất hiên ngang.
Thơ của tôi ít hơn nhưng sặc mùi tiền. Mấy năm nay làng tôi bỗng trở nên
phát tài nhờ vào dịch vụ trồng hoa cải. Hoa của một loài rau ăn. Giản dị chỉ
là hoa rau. Không sang trọng. Không đài các. Mộc mạc thế thôi mà sao có
sức quyến rũ đến thế. Có lẽ cái chất đồng quê làm cho mê hồn. Đứng ở đây
người sang không sợ chê là hèn, người hèn không sợ đánh giá là học làm
dáng. Cũng mộc mạc như nhau, quấn vào với nhau, chiêm ngưỡng nhau, tự
nhận thấy nó đẹp chứ không khen leo như một số những loài hoa khác. Cả
một cánh đồng chia ô chia thửa, nắng rực rỡ trên cánh đồng cải hoa vàng,
mỏng manh, bây bẩy trong gió bắc. Ba tôi dừng bước, gần như đang nói với
chính mình: "Hiểu rồi. Tại sao bài thơ ấy lại hay đến thế!". Rồi ông đọc
mấy câu trong bài thơ Đương trong mùa hoa cải. Ba tôi đã từng là sinh viên
Văn khoa Sài Gòn, ba tôi yêu thơ và mê thơ lắm. Thơ của ba chìm và lắng
sâu là thơ âm, thơ của bố tôi ồn ào, quấy đảo là thơ dương. Tất nhiên thơ
của ba tôi trầm buồn hay hơn thứ thơ hợp tác xã của bố tôi. Hai dòng thơ
này đọc lên tôi cho là lạc loài cả. Nghe ba phân tích thơ tôi cũng thấy lòng
mình như mở ra. Nhưng nhìn những người nông dân quê tôi đang quanh
quẩn chăm sóc bên luống cải, vuốt ve những thân cây gẫy dập trước những