Chúng ta thấy rằng bộ não có thể bị những công cụ tuyên truyền thao
túng để phi nhân tính hóa người khác, để rồi phần đen tối nhất trong hành
vi của con người lộ diện. Nhưng liệu có thể lập trình bộ não của chúng ta để
ngăn ngừa điều này? Một giải pháp khả dĩ nằm trong một thử nghiệm vào
những năm 1960, nó được tiến hành không phải trong phòng thí nghiệm
khoa học, mà trong một trường học.
Đó là năm 1968, một ngày sau vụ ám sát lãnh đạo dân quyền Martin
Luther King. Jane Elliott, một giáo viên ở một thị trấn nhỏ ở Iowa, đã quyết
định minh họa cho lớp học của mình biết thế nào là thành kiến. Jane hỏi học
trò của mình rằng chúng cảm thấy thế nào khi bị phân biệt màu da. Đám học
sinh phần lớn nghĩ rằng chúng có thể cảm thấy. Nhưng Jane không chắc lắm
về điều đó, vì vậy cố đã đưa ra một thử nghiệm mà sau này trở nên rất nổi
tiếng. Cô tuyên bố rằng những người mắt xanh là “những người cao quý
hơn trong căn phòng này.”
Jane Elliott: Các em mắt nâu không sử dụng bồn uống nước. Các em sẽ
phải sử dụng cốc giấy. Các em mắt nâu không được chơi với những bạn
mắt xanh trên sân, vì các em không tốt như những bạn mắt xanh. Các em
mắt nâu trong căn phòng này ngày hôm nay sẽ mặc áo có cổ. Vì vậy, chúng
ta có thể nhận biết màu mắt các em từ xa. Trên trang 127… Các em đã sẵn
sàng chưa? Tất cả mọi người trừ Laurie. Sẵn sàng chưa, Laurie?
Đứa trẻ: Bạn ấy là một người mắt nâu.
Jane: Bạn ấy mắt nâu. Bạn ấy sẽ bắt đầu chú ý rằng ngày hôm nay
chúng ta dành rất nhiều thời gian để chờ đợi những người mắt nâu.
Một lát sau, Jane nhìn quanh để tìm cái thước, và thấy hai cậu con trai
mở lời. Rex chỉ cho cô ấy cái thước ở đâu, và Raymond đề nghị: “Thưa cô
Elliott, cô tốt nhất là nên giữ nó trên bàn, để còn phạt những bạn da nâu,
những bạn mắt nâu.”