Phi nhân tính hóa là một yếu tố quan trọng trong nạn diệt chủng. Giống
như việc Đức Quốc xã xem những người Do Thái như thứ hạ đẳng hơn con
người, người Serbia ở Nam Tư cũ cũng đã nhìn những người Hồi giáo theo
cách này.
Trong thời gian ở Sarajevo, tôi đã đi dọc theo con phố chính. Trong
chiến tranh, nó được biết đến với cái tên SnipersAlley (hẻm bắn tỉa) vì rất
nhiều người thường dân cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị những tay súng
núp mình trên các ngọn đồi xung quanh và các tòa nhà lân cận sát hại. Con
phố này đã trở thành một trong những biểu tượng hùng hồn nhất về sự kinh
hoàng của chiến tranh. Làm thế nào một con phố bình thường lại phải chịu
một kết cục bi thương đến vậy?
Cuộc chiến này, giống như bao cuộc chiến khác, được thúc đẩy từ một
hình thức thao túng thần kinh hiệu quả, hành động được thực hiện qua nhiều
thế kỷ: tuyên truyền. Trong cuộc chiến Nam Tư, mạng lưới tin tức chính là
đài phát thanh truyền hình Serbia, đã bị chính phủ lâm thời kiểm soát và
phát đi những tin tức méo mó. Mạng lưới này ngụy tạo các báo cáo về các
vụ tấn công sắc tộc do những người Hồi giáo Bosnia và Croatia chống lại
người Serbia. Họ liên tục bôi đen việc làm của người Bosnia và Croatia, sử
dụng ngôn ngữ tiêu cực trong các mô tả của họ về người Hồi giáo. Tột đỉnh
của sự việc, mạng lưới này đã phát sóng một câu chuyện vô căn cứ về việc
người Hồi giáo đã thả những đứa trẻ người Serbia cho những con sư tử đói
của vườn thú Sarajevo.
Nạn diệt chủng chỉ có thể xảy ra khi sự phi nhân tính hóa diễn ra trên quy
mô lớn, và công cụ hoàn hảo cho việc này chính là tuyên truyền: nó nhắm
thẳng vào mạng lưới thần kinh nơi hỗ trợ việc hiểu người khác và kéo
ngược mức độ đồng cảm của chúng ta với họ.