Các manh mối về sự mềm dẻo của trí nhớ đến từ công trình tiên phong
của Giáo sư Elizabeth Loftus tại Đại học California, Irvine. Cô đã làm rung
động lĩnh vực nghiên cứu trí nhớ bằng cách cho thấy những ký ức dễ bị tổn
thương như thế nào.
Loftus đã nghĩ ra một thí nghiệm trong đó cô mời những người tình
nguyện xem các bộ phim về tai nạn xe hơi, rồi sau đó hỏi họ một loạt câu
hỏi để kiểm tra những gì họ nhớ. Những câu hỏi của cô đã ảnh hưởng đến
câu trả lời cô nhận được. Cô giải thích: “Khi tôi hỏi xe chạy nhanh như thế
nào lúc chúng va vào nhau, so với khi hỏi tốc độ của những chiếc xe khi
chúng đâm vào nhau, các nhân chứng đưa ra những ước tính khác nhau về
tốc độ. Họ nghĩ rằng những chiếc xe chạy nhanh hơn khi tôi sử dụng từ
đâm.” Như vậy cách dẫn dắt câu hỏi có thể gây nhiễu trí nhớ, Loftus quyết
định đi xa hơn.
Liệu có thể cấy ghép những ký ức hoàn toàn sai không? Để tìm hiểu, cô
đã tập hợp một số người tham gia và nhóm của cô liên hệ với gia đình họ để
biết thông tin về các sự kiện trong quá khứ của họ. Được trang bị thông tin
này, các nhà nghiên cứu đã kết hợp bốn câu chuyện về thời thơ ấu của
những người tham gia. Ba là đúng. Câu chuyện thứ tư chứa thông tin tưởng
chừng là hợp lý, nhưng hoàn toàn được tạo dựng. Câu chuyện thứ tư là về
việc người tham gia thí nghiệm bị lạc trong một khu mua sắm khi còn nhỏ,
sau đó họ được một người lớn tử tế tìm thấy và cuối cùng là được đoàn tụ
với cha mẹ.
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn, những người tham gia được kể bốn
câu chuyện. Ít nhất một phần tư trong số họ khẳng định có thể nhớ sự kiện
bị lạc trong khu mua bán - mặc dù điều đó đã không xảy ra. Và chuyện
không dừng lại ở đó. Loftus giải thích: “Ban đầu họ có thể nhớ một chút về
nó. Nhưng khi họ quay lại một tuần sau đó, họ bắt đầu nhớ nhiều hơn. Có lẽ