nơi ấy.”
“Có người tức giận thay cho mình, chỉ cần thế thôi lòng đã đủ vui rồi chị
nhỉ.” Em nói.
“Em nhất định phải trồng lại những cây ấy nhé. Tại nhà mới của em ấy.”
“Vâng, chắc chắn em sẽ làm vậy. Vì bà em trước đây ngày nào cũng
chăm bón cây mà. Bà lúc nào cũng đội mũ ra vườn, trồng những cây giống
đặt mua từ xa về, cùng vui cùng buồn với sự trưởng thành của cây.” Em
nói.
“Không hiểu sao chị thấy…” - Tôi nói. - “Khi nói đến vấn đề bảo vệ môi
trường, dường như chúng ta đã được dạy để quen nghĩ về những thứ như
rừng savannah hay rừng mưa nhiệt đới, bởi một ai đó sẽ rất khó chịu nếu
chúng ta nhìn vào những thứ hiện hữu ngay gần.”
“Đúng rồi, em hiểu. Em cũng nghĩ như thế.”
“Thế nhưng mà, thật sự là, chúng ta chỉ đủ sức xoa dịu được những nỗi
đau nho nhỏ ấy, như việc muốn giữ lại những cây bà trồng… Chị nghĩ rằng
con người không được sinh ra vĩ đại đến mức lo lắng được cho cả những
thứ ở tít xa xôi. Tất nhiên chị không nói tới những người như bạn trai của
em, có duyên đi đến làm việc giúp lũ trẻ ở những đất nước xa lạ. Ý chị
muốn nói đến những con người bình thường cả đời không đi đâu khỏi đất
nước của mình. Ví dụ như bãi biển trước mặt ta đây, thật ra ngày xưa nơi
đây có rất nhiều loài san hô sinh sống. Nơi ấy tựa như một cánh rừng, rậm
rạp các loại tảo biển, có rất nhiều cá lượn lờ như lũ chim bay lượn quanh
rừng. Thế mà bây giờ không còn nữa. Điều đó làm chị buồn và đến tận bây
giờ vẫn chưa chấp nhận nổi.”
Em gật đầu.
“Nếu như chúng mất đi theo dòng chảy của thời đại thì chị cũng đành
chịu vì nó có ý nghĩa riêng của nó. Thế nhưng nếu thay mới lại là những
thứ không đáng, không phù hợp thì chị không cam lòng. Nếu đó là điện,
nước, bệnh viện hay tương tự như thế thì chắc chắn chị sẽ chấp nhận. Thế
nhưng thực tế những thứ thay thế vào lại không đủ giá trị để phải đánh đổi
bằng nguy cơ gây ô nhiễm biển. Vì thế nên chị mới mở cửa hàng đá bào.”
Tôi nói tiếp.