Chính quyền Liên bang tiến hành công việc công minh hơn và ôn hoà
chừng mực hơn so với cách làm việc của các bang. Quan điểm của chính
quyền Liên bang khôn ngoan hơn, trong các dự án thì có tầm nhìn xa hơn và
có sự phối hợp chặt chẽ hơn, trong thực thi công việc thì khéo léo hơn, nhất
quán hơn và cứng rắn hơn.
Một đôi lời chừng ấy đủ để tóm tắt nội dung chương sách này.
Có hai nguy cơ chính đe doạ sự tồn tại của các nền dân trị:
Sự nô lệ hoàn toàn của quyền lập pháp vào ý nguyện của các cử tri;
Sự tập trung mọi quyền lực khác của chính quyền vào tay ngành lập pháp.
Các nhà lập pháp các bang tạo thuận lợi cho sự phát triển các nguy cơ
này. Những nhà lập pháp Liên bang làm mọi cách trong khả năng mình để
làm cho các nguy cơ đó bớt ghê gớm đi.
ĐÂU LÀ CHỖ KHÁC NHAU GIỮA HIẾN PHÁP LIÊN BANG
CỦA HOA KÌ SO VỚI MỌI HIẾN PHÁP LIÊN BANG KHÁC
Liên bang Mĩ bề ngoài nom giống như mọi liên bang
khác. − Song tác dụng của nó lại khác. − Từ đâu mà có
chuyện đó? − Liên bang này xa cách với mọi liên bang
khác ở chỗ nào. − Chính quyền Mĩ không phải là một
chính quyền liên bang, mà là một chính quyền quốc gia
không đầy đủ.
Hoa Kì không phải là tấm gương đầu tiên và duy nhất về một tổ chức liên
bang. Không nói đến thời Cổ đại, ngay ở châu Âu thời hiện đại cũng có
nhiều liên bang. Thuỵ Sĩ, Đế quốc Đức, Cộng hoà Hà Lan, đều đã là và vẫn
còn là những liên bang.
Khi ta nghiên cứu hiến pháp của các nước này, ta ngạc nhiên nhận thấy
rằng các quyền lực mà những nước này trao cho chính quyền liên bang đều
gần như những thứ được Hiến pháp Mĩ trao cho chính quyền Hoa Kì. Cũng