Trên trái đất này, chẳng một ai là có thể khẳng định như đinh đóng cột và
đặt vào đâu cũng đúng, rằng trạng thái mới của các xã hội đúng là có cao
hơn trạng thái cũ; nhưng ta thấy thú vị thoải mái hơn khi nhận ra được rằng
nó đã là một thực thể khác.
Có những tật xấu nhất định và có những đức hạnh nhất định gắn chặt vào
với cơ chế của các quốc gia quý tộc trị, và chúng vô cùng khác với thiên tài
của các dân tộc mới, mà ta chẳng biết có cách gì để các dân tộc mới này
cũng có những tật xấu và những đức hạnh như thế. Có những khuynh hướng
tốt đẹp và những bản năng xấu xa mà đối với các quốc gia quý tộc trị thì đó
là xa lạ nhưng với các dân tộc mới thì đó lại là chuyện tự nhiên, có những tư
tưởng tự nhiên xuất hiện trong trí tưởng tượng của những anh này thì lại bị
tinh thần của anh kia vứt bỏ. Đó như thể là hai nhân loại khác hẳn nhau, mà
mỗi bên đều có những ưu thế và những bất lợi riêng, có những mặt tốt đẹp
và những mặt xấu xa chỉ của riêng mỗi bên thôi.
Vậy nên ta phải cẩn thận chớ có phán xét các xã hội được sinh ra đời với
những tư tưởng bắt nguồn từ những xã hội đã chẳng còn tồn tại nữa. Như thế
sẽ là bất công, bởi vì các xã hội đó, vốn dĩ khác nhau đến vô cùng, nên
chẳng thể đem chúng ra so sánh với nhau được.
Cũng chẳng hợp lí lắm nếu đòi hỏi con người thời đại chúng ta bây giờ
phải có những đức hạnh đặc biệt vốn là sản phẩm từ trạng thái xã hội của
ông cha tiên tổ họ, bởi vì trạng thái xã hội đó tự nó đã bị đổ kềnh và cũng đã
hỗn độn kéo ngã theo mọi cái tốt đẹp và mọi thứ xấu xa chất chứa trong nó.
Nhưng những điều như thế giờ đây vẫn còn chưa được hiểu cho đúng.
Tôi nhận thấy vô số người đương thời với mình đang định làm một cuộc
chọn lựa từ các thiết chế, các quan niệm, các tư tưởng sinh ra trong cơ chế
quý tộc trị của xã hội cũ. Các vị đó tự nguyện từ bỏ mấy thứ này nhưng lại
muốn giữ lại mấy thứ khác và đem chúng theo vào trong xã hội mới.
Tôi cho rằng các vị này tiêu phí thời giờ và sức lực cho một công việc
trung thực và vô bổ.