ngôn trong luật pháp. Nó mở rộng ra cùng với sự tự do và không gặp trở
ngại gì khi đạt tới những hệ quả cuối cùng.
Nếu như có một quốc gia duy nhất nào trên thế giới ở đó ta có thể hi vọng
đánh giá đúng giá trị của tín điều nguyên lí nhân dân tối thượng, nghiên cứu
nó ngay trong sự vận dụng vào mọi công việc của xã hội và thấy hết các
thuận lợi cũng như hiểm nguy nó gây ra, chắc chắn cái quốc gia đó phải là
nước Mĩ.
Trước đây tôi đã nói rằng ngay từ gốc thì cái nguyên lí nhân dân tối
thượng đã là nguyên lí tạo sinh hầu hết các khẩn địa Anh tại nước Mĩ.
Nhưng khi ấy cũng còn thiếu nhiều nữa mới có thể coi là nguyên lí đó chi
phối được việc cai quản xã hội như đã đạt được trong tình hình hiện thời.
Có hai trở ngại, một ở bên ngoài, một ở bên trong, đã làm chậm bước tiến
xâm thực của nguyên lí đó.
Nguyên lí đó không thể phơi bày không né tránh trong luật pháp, vì khi
đó các khẩn địa vẫn còn bị bắt buộc phải tuân thủ luật pháp bên chính quốc.
Vì thế nguyên lí đó phải được ẩn giấu kĩ trong các cuộc đại nghị hàng tỉnh
và nhất là trong các công xã. Tại đó nguyên lí này tha hồ bộc lộ một cách
kín đáo.
Xã hội Mĩ khi ấy vẫn còn chưa được chuẩn bị để tiếp nhận nguyên lí nhân
dân tối thượng cùng với mọi hệ quả của nó. Như tôi đã trình bày trong
chương trước, những đầu óc sáng láng bên New England, các tài nguyên ở
phía Nam vịnh Hudson vẫn có một thứ tác động lâu dài kiểu quý tộc trị có
xu hướng thắt chặt không khó khăn lắm việc thực thi các quyền lực xã hội.
Vẫn còn chưa đến lúc tất cả các công chức đều được bầu ra và tất cả các
công dân đều là người đi bầu. Quyền bầu cử ở khắp nơi vẫn còn bị giam
trong những giới hạn nhất định và phụ thuộc vào quy định thuế suất bầu cử.
Quy định mức tiền thuế phải nộp này ở miền Bắc rất thấp, nhưng ở miền
Nam thì khá cao.
Thế rồi cuộc cách mạng bùng nổ ở Mĩ. Cái tín điều về quyền nhân dân tối
thượng bước ra khỏi công xã và chiếm lấy toàn bộ công việc chính quyền.