CHƯƠNG V
CẦN THIẾT PHẢI NGHIÊN CỨU NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA Ở
CÁC BANG RIÊNG RẼ TRƯỚC KHI NÓI ĐẾN CHÍNH QUYỀN
LIÊN BANG
Sang chương tiếp theo, có lẽ chúng ta nên xem xét, ở nước Mĩ, cái hình
thức chính quyền dựa cơ sở trên nguyên lí nhân dân tối thượng nó ra sao,
đâu là những phương tiện cho nó hoạt động, đâu là những lúng túng, đâu là
những thuận lợi và những nguy cơ của hình thức chính quyền ấy.
Có một khó khăn đầu tiên đây: Hoa Kì có một bản hiến pháp phức tạp.
Trong hiến pháp ấy thấy rõ hai xã hội hoàn toàn khác nhau cùng tham gia,
và có lẽ tôi nên hiểu là hai xã hội ấy ăn khớp vào với nhau. Ta thấy ở đó có
hai chính quyền hoàn toàn tách bạch và hầu như độc lập với nhau: một chính
quyền thông thường và không xác định, đáp ứng những nhu cầu thường nhật
của xã hội, và một chính quyền kia có tính chất ngoại lệ và có giới hạn rõ,
chỉ áp dụng cho những quyền lợi chung nhất định. Nói cho gọn, đó là hai
mươi bốn quốc gia nhỏ có chủ quyền mà tất cả họp lại thì thành một Liên
bang.
Xem xét đơn vị toàn Liên bang trước khi xem xét đơn vị bang tức là lao
vào một con đường đầy trở ngại. Hình thức chính quyền liên bang ở Hoa Kì
xuất hiện sau cùng. Nó chỉ là một sự sửa sang hình thức chính quyền nước
cộng hoà, một bản tóm tắt những nguyên lí chính trị phổ biến trong toàn xã
hội có trước liên bang và tồn tại trong đó độc lập với liên bang. Vả chăng,
hình thức chính quyền liên bang, như tôi vừa nói, chỉ là ngoại lệ. Còn chính
quyền các bang mới là quy tắc chung. Nhà viết sách nào định bụng cho mọi
người thấy ngay toàn cục của một bức tranh như thế trước khi chỉ ra những