Nếu như quyền hành pháp ở Hoa Kì không mạnh bằng ở Pháp, thì có lẽ ta
nên tìm nguyên nhân ở hoàn cảnh hơn là tìm ở luật pháp của họ.
Chính là trong quan hệ với nước ngoài mà quyền hành pháp của một quốc
gia có dịp trổ hết sự khéo léo và sức mạnh.
Nếu như cuộc sống của Liên bang không bao giờ hết bị đe doạ, nếu như
các lợi ích lớn của quốc gia đó hàng ngày bị xen vào với lợi ích của các
cường quốc, ta sẽ thấy quyền hành pháp lớn lên trong con mắt dư luận qua
những gì người ta trông đợi ở nó và trong những gì nó sẽ phải đem ra thi
thố.
Đúng là tổng thống Hoa Kì đứng đầu quân đội, nhưng đạo quân đó chỉ có
6 nghìn người. Ông là người chỉ huy hạm đội, nhưng hạm đội chỉ có vài ba
chiếc tàu chiến. Ông ta điều hành công việc Liên bang mặt đối mặt với các
quốc gia bên ngoài, nhưng Hoa Kì lại không có lân bang. Được ngăn cách
với thế giới còn lại bởi đại dương mênh mông, lại vẫn còn quá yếu đuối để
có thể thống trị mặt biển, Hoa Kì chẳng có kẻ thù, và lợi ích của nó hiếm khi
bị cọ xát với lợi ích các quốc gia khác trên hoàn cầu.
Hoàn cảnh như vậy cho thấy rõ là ta không nên đánh giá công việc của
chính quyền (Liên bang Hoa Kì) theo những điều đặt ra trên lí thuyết.
Tổng thống Hoa Kì có những đặc quyền gần như của một ông vua mà ông
ta không có cơ hội đem dùng, ông có những quyền mà cho tới bây giờ vẫn
có thể đem dùng nhưng lại được hạn định chặt. Ấy thế là trong khi luật pháp
cho phép ông ta có sức mạnh, thì hoàn cảnh lại buộc ông ta thành kẻ yếu.
Ngược lại, chính là hoàn cảnh chứ không phải luật pháp đã đem lại sức
mạnh lớn lao nhất hạng cho uy quyền nhà vua Pháp.
Ở Pháp, quyền hành pháp không ngừng đấu tranh chống lại những trở
ngại vô cùng lớn và có trong tay những nguồn lực vô biên để khắc phục các
trở ngại đó. Quyền lực đó lớn mạnh lên từ tầm vĩ đại của những điều nó thực
thi và từ tầm quan trọng của các sự kiện nó điều hành, và làm như thế mà
vẫn không thay đổi thể chế dành cho nó.