thể làm cho cái điểm đứng ì đó phải lung lay như mọi thứ khác không [họ
ủng hộ tổng thống là vì vậy].
VỀ NHỮNG TÀN DƯ CỦA ĐẢNG CỦA PHE QUÝ TỘC TẠI
HOA KÌ
Sự đối lập ngấm ngầm của người giàu chống lại nền
dân trị. − Họ rút lui vào cuộc sống riêng tư. − Thị hiếu
được họ chưng ra bên trong nơi ăn chốn ở của họ để
hưởng thụ khoái lạc và xa hoa. − Vẻ giản dị họ phô ra
bên ngoài. − Họ cố tình hạ cố xuống người dân.
Đôi khi một quốc gia đang chia rẽ quan điểm và sự thăng bằng giữa các
đảng phái bị phá vỡ, một trong những đảng ở đó sẽ vượt trội lên không gì
cưỡng nổi. Đảng này phá tan mọi trở ngại, chèn ép đối thủ và khai thác toàn
bộ xã hội để riêng nó có lợi. Những kẻ chiến bại, tuyệt vọng không thấy đâu
là thành công, liền lẩn tránh hoặc im tiếng. Khắp nơi không động tĩnh và im
phăng phắc. Toàn thể quốc gia dường như tụ hội lại trong một ý tưởng
chung. Đảng thắng thế đứng lên và tuyên bố: “Đảng tôi đem lại hoà bình
cho đất nước, cả nước mắc nợ và phải trả ơn chúng tôi.”
Nhưng bên dưới cái vẻ ngoài thống nhất ấy vẫn ẩn giấu hai điều chia rẽ
sâu xa và một sự đối lập có thật.
Đó là điều đã xảy đến với nước Mĩ: khi đảng dân chủ thắng thế, nó chiếm
lấy toàn bộ công việc điều hành đất nước. Từ đó nó không ngừng nhào nặn
tập tục và luật pháp tuỳ theo những ước vọng của nó.
Ngày nay, ta có thể nói là ở Hoa Kì các giai tầng giàu sang của xã hội hầu
hết đều nằm ngoài các công việc chính trường, và sự giàu sang ở đó còn xa
mới là một thứ quyền, thì lại thành một nguyên cớ có thật cho sự thất sủng
và thành một trở ngại trên con đường đi tranh lấy chính quyền.