đích chưa? Xuất phát từ những lạm dụng tự do, và tôi bắt gặp bạn đứng dưới
chân một kẻ chuyên quyền.
Bạn vừa mới từ thái cực độc lập chuyển sang thái cực nô dịch mà trên cả
quãng đường dài dặc ấy bạn chẳng hề gặp nổi một chốn nghỉ chân.
Có những quốc gia hoàn toàn không vướng víu vào những lí do chung
như tôi vừa nêu, song lại có những lí do đặc biệt gắn bó họ với tự do báo
chí.
Tại một số quốc gia tự cho mình là tự do, mỗi một nhân viên chính quyền
có thể vi phạm luật pháp mà không bị hiến pháp của đất nước ấy cho phép
những kẻ bị áp bức được đem khiếu nại trước công lí. Với những quốc gia
này, ta không nên coi tính độc lập của báo chí như là một trong những bảo
đảm, mà như là một bảo đảm duy nhất còn sót lại đối với tự do và an ninh
của các công dân.
Vậy nên, một khi những con người cai quản các quốc gia đó nói tới việc
tước bỏ tính độc lập của báo chí, thì toàn thể nhân dân có quyền đáp lại: Hãy
để chúng tôi thưa kiện tội phạm của các vị tới các quan toà bình thường, và
rất có thể khi đó chúng tôi sẽ không đưa vụ việc ra toà án dư luận.
Tại một quốc gia nơi ngự trị công khai tín điều về quyền lực tối cao của
nhân dân, thì kiểm duyệt không chỉ là một nguy cơ, mà còn là một sự đại
ngu xuẩn.
Khi người ta giao cho mỗi người cái quyền cai trị xã hội, thì cần phải thừa
nhận ở mỗi con người đó cái khả năng lựa chọn giữa các ý kiến dư luận khác
nhau đang khuấy động những người đương thời của mình và đánh giá đúng
những sự kiện khác nhau mà hễ có tri thức thì có cách hiểu được.
Quyền lực tối cao của nhân dân và tự do báo chí như vậy là hai điều hoàn
toàn tương thích với nhau, còn ngược lại, kiểm duyệt và phổ thông đầu
phiếu là hai điều đối lập nhau và không thể gặp gỡ nhau lâu bền trong các
thiết chế chính trị của cùng một quốc gia. Trong số mười hai triệu con người
sống trên lãnh thổ Hoa Kì, không có duy nhất một ai lại còn cả gan đề xuất
việc thu hẹp quyền tự do báo chí nữa.