gặp nhiều khó khăn hơn khi không bị gậy ông đập lưng ông vì chế độ thuế
do mình đặt ra. Về mặt này, phổ thông đầu phiếu ở Pháp tỏ ra ít nguy hiểm
hơn ở Anh, ở nước này hầu hết tài sản đến mức đóng thuế được gom trong
tay vài ba người giàu. Nước Mĩ là nơi đại đa số công dân đều có tài sản, thì
ở vào hoàn cảnh tốt hơn ở Pháp.
Cũng còn có những nguyên nhân khác nữa có thể tăng cao những chi phí
công cộng trong các nước theo chế độ dân trị.
Khi giai cấp quý tộc cai trị, những con người điều hành công việc nhà
nước, do hoàn cảnh của họ, đều không có lắm nhu cầu phải chi tiêu. An bài
với số phận mình, họ thường chỉ đòi hỏi xã hội quyền lực và vinh quang mà
thôi. Và được đứng bên trên đám đông quần chúng công dân vô danh, họ
không bao giờ thấy rõ bằng cách nào mà cuộc sống tốt đẹp chung cho mọi
người lại có thể đem lại vinh quang cho họ. Không phải vì họ vô cảm khi
nhìn những nỗi khổ đau của người nghèo. Nhưng họ không sao cảm được
những nỗi khốn cùng của người nghèo như đó chính là của họ vậy. Còn thì
miễn là nhân dân có vẻ như thích nghi được thân phận của họ, thế là nhà
cầm quyền thấy thoả mãn và chẳng còn cần gì nữa. Nền quý tộc trị hình như
quan tâm đến sự tồn tại với quyền lực mình hơn là hoàn thiện cung cách cầm
quyền.
Khi ngược lại, quyền lực công cộng nằm trong tay nhân dân, kẻ nắm
quyền tuyệt đối tìm cách đến với cái hoàn thiện ở mọi mặt, ở bất kì đâu nó
thấy khó chịu.
Tinh thần cải thiện khi đó vươn ra cả ngàn đối tượng khác nhau. Nó đi
xuống tận từng chi tiết nhỏ nhặt, và nhất là nó vận dụng vào những thứ cần
phải cải thiện không thể dùng tiền mà có nổi. Bởi vì đây là vấn đề cải thiện
hơn nữa tình cảnh người nghèo mà họ không đủ sức tự làm việc đó.
Ngoài ra trong các xã hội dân chủ còn có một sự nhộn nhạo không mục
tiêu rõ rệt. Trong các xã hội đó thường xuyên có một sự náo nức như lên cơn
sốt được chuyển hướng thành sự cải tiến và đổi mới trên mọi phương diện,
những cải tiến và đổi mới ấy lại hầu như bao giờ cũng đắt tiền.