Trong các nền quý tộc trị, những người cầm quyền đôi
khi cũng tìm cách hủ hoá người khác. − Thường khi
trong các nền dân trị những người cầm quyền tỏ ra
chính họ bị hủ hoá. − Trong trường hợp các nền quý tộc
trị, các tật xấu tấn công trực tiếp vào đạo đức nhân dân.
− Trong trường hợp các nền dân trị, chúng tạo ra cái
ảnh hưởng gián tiếp lại còn đáng sợ hơn nhiều.
Quý tộc trị và dân trị thường lời qua tiếng lại đổ cho nhau là tạo thuận lợi
cho tình trạng hủ hoá. Ta cần phân biệt cho rõ:
Trong các chính quyền quý tộc trị, những con người nắm được quyền
hành là những người giàu chỉ ước vọng quyền lực mà thôi. Trong các chính
quyền dân trị, chính khách đều là người nghèo và đang còn phải xây dựng
cơ nghiệp.
Vì thế mà, trong các nhà nước quý tộc trị, những người cầm quyền ít dính
vào sự hủ hoá và chỉ thích thú rất vừa phải đối với chuyện tiền bạc, trong khi
lại xảy ra điều trái ngược đối với các quốc gia dân trị.
Nhưng, trong các nền quý tộc trị, những người muốn đứng đầu công
chuyện đều có tài sản lớn, mà số lượng những người có thể đạt tới mục tiêu
đó lắm khi lại bị bó hẹp trong những giới hạn nhất định, nên chính quyền
như thể bị đem bán đấu giá. Ngược lại, trong các thể chế dân trị, những
người tìm đường đến với quyền lực hầu như không khi nào là người giàu, và
số lượng người chạy đua vào đó bao giờ cũng rất lớn. Rất có thể là trong các
nước theo thể chế dân trị cũng chẳng thiếu người để đem ra rao bán, nhưng
ở đó hiếm có người đi mua. Vả chăng, muốn tới đích thì lại phải mua quá
nhiều người.
Trong số những người chiếm được quyền lực ở Pháp trong bốn chục năm
qua, nhiều người bị lên án đã tạo ra tài sản riêng nhờ nhà nước và các đồng
minh. Đó là lời trách móc hiếm khi thấy có đối với những “người nhà nước”
trong chế độ phong kiến xưa. Nhưng ở Pháp hầu như không có vụ nào người