Tôi xem xét từng nước cộng hoà tạo thành Liên bang, và tôi thấy chính
quyền của họ lắm khi thiếu kiên trì trong các ý đồ, và họ chẳng kiểm soát
liên tục những con người họ sử dụng [trong bộ máy chính quyền]. Từ đó tôi
rút ra một hệ quả là họ thường phải chi tiêu một cách vô ích tiền bạc của
người đóng thuế, hoặc là họ chi tiêu cho các công trình nhiều hơn mức độ
cần thiết.
Tôi thấy rằng, trung thành với gốc gác nhân dân, nhà nước Mĩ nỗ lực ghê
gớm để thoả mãn các nhu cầu của những tầng lớp bên dưới của xã hội đặng
mở cho họ con đường quyền lực và làm lan toả trong lòng các tầng lớp này
cuộc sống ấm no hạnh phúc và trí tuệ sáng láng. Nhà nước này bảo dưỡng
người nghèo, hàng năm phân phát hàng triệu dollar cho nhà trường, nó chi
trả mọi dịch vụ và trả lương rộng rãi từng tác nhân nhỏ nhặt nhất. Nếu một
cách điều hành chính quyền như thế có vẻ như hữu ích và hợp lí, thì tôi cũng
bắt buộc phải thừa nhận là nó hao tiền tốn của.
Tôi thấy đó là cách người nghèo điều hành việc công và nắm quyền sử
dụng nguồn lực quốc gia. Lợi dụng các chi phí của nhà nước, tôi không thể
tin được rằng cách thức đó của người nghèo lại không lôi theo những chi phí
mới khác nữa.
Vậy nên, chẳng cần viện đến những con số không đầy đủ, và cũng chẳng
muốn dùng cách so sánh ngẫu nhiên, tôi kết luận rằng chính quyền dân trị
của người Mĩ, không như người ta đôi khi vẫn nghĩ, chẳng phải là một chính
quyền tiêu pha ít tiền bạc. Và tôi cũng không ngại tiên báo rằng, nếu như có
một ngày nào đó có những lúng túng lớn đến bủa vây con người ở Hoa Kì,
chắc là ta sẽ thấy họ nâng mức đóng thuế lên cao ngang với phần lớn các
nhà nước quý tộc trị hoặc quân chủ ở châu Âu.
VỀ NẠN HỦ HOÁ VÀ TẬT XẤU CỦA NHỮNG NGƯỜI CẦM
QUYỀN TRONG NỀN DÂN TRỊ; NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA
ĐIỀU ĐÓ ĐẾN ĐẠO ĐỨC DÂN CHÚNG