Vì ở cách biệt và ở xa châu Âu nên ta cần có đường đi khác hẳn và cứ thế mà đi. Nếu ta tiếp
tục là một quốc gia duy nhất có một chính quyền mạnh điều hành, sẽ chẳng còn xa nữa cái thời
điểm ta chẳng có gì phải sợ ai hết. Khi đó ta có thể có một thái độ khiến cho thiên hạ tôn trọng
tính trung lập của ta. Những nước hiếu chiến, một khi cảm nhận được rằng họ không thể kiếm
chác được gì của ta, sẽ sợ và không dám vô cớ khiêu khích ta. Và ta sẽ ở vào cái thế mình chọn
lấy hoà bình hay chiến tranh, chẳng cần ai chỉ dẫn hành động của ta ngoài lợi ích của ta và sự
công bằng.
Tại sao ta lại đi từ bỏ những ưu thế có được từ một hoàn cảnh tối ưu đến thế? Tại sao ta lại
đi từ bỏ một mảnh đất thích hợp với mình để đi lập nghiệp trên một mảnh đất xa lạ? Sau hết, tại
sao bằng cách gắn bó số phận ta với số phận một mảnh đất nào đó của châu Âu, để đem trao
nền hoà bình và sự thịnh vượng của ta cho tham vọng, cho những chuyện thù nghịch, cho
những lợi ích hoặc những đòi hỏi thất thường của các quốc gia sinh sống ở mảnh đất đó?
Nền chính trị thực thụ của ta là không liên minh thường trực với bất kì quốc gia bên ngoài
nào, chừng nào ít ra là ta vẫn còn tự do để không phải làm việc đó, vì tôi cũng không muốn ta
sẽ thất hứa với những liên minh hiện có. Sự trung thực luôn luôn là đường lối chính trị tốt nhất.
Đó là một châm ngôn tôi coi là có khả năng áp dụng trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như
giữa các cá nhân. Vì thế tôi cho rằng phải thực hiện hoàn toàn đầy đủ mọi cam kết chúng ta đã
có. Nhưng tôi thấy nếu cam kết thêm nữa là vô ích và bất cẩn.
Ta cần đứng ở cái thế và với cái tư cách sao cho người khác phải tôn trọng lập trường của
mình, và những liên minh chốc lát sẽ không đủ để giúp ta đương đầu với mọi hiểm nguy.
Trước đó Washington đã nói rõ ý tưởng đẹp đẽ và đúng đắn này: “Quốc
gia nào lao vào những trò tình cảm yêu đương quen lệ hoặc những trò hằn
thù với quốc gia khác, quốc gia ấy trở thành một thứ nô lệ. Nô lệ cho sự hằn
thù hoặc cho tình yêu của chính mình.”
Đường lối chính trị của Washington bao giờ cũng được tiến hành theo các
châm ngôn ông đặt ra. Ông duy trì được đất nước trong hoà bình khi toàn
thế giới đều có chiến tranh, ông xây dựng cái cốt lõi học thuyết về lợi ích, dĩ
nhiên là vì lợi ích của người Mĩ mà không bao giờ được tham gia vào các
cuộc tranh chấp nội bộ bên châu Âu.