Có thể dễ dàng nhận ra ngay những tật xấu và những yếu kém của chính
quyền dân trị. Ta có thể vạch chúng ra qua những sự việc không chối cãi
được, trong khi ảnh hưởng hữu ích của nó diễn ra một cách khó nhận thấy,
có thể nói là bí ẩn nữa. Những tật xấu của nó đập ngay vào mắt ta, nhưng
các phẩm chất của nó thì phải về lâu về dài mới lộ diện.
Luật pháp của nền dân trị Mĩ thường là có nhiều khiếm khuyết hoặc
không hoàn chỉnh. Thường ở Mĩ hay xảy ra chuyện luật lại vi phạm những
quyền đã được công nhận hoặc phê chuẩn những bộ luật nguy hiểm: dù đó là
việc tốt thì cứ lặp đi lặp lại nhiều cũng sẽ thành một đại hoạ. Tất cả những
điều này thoạt nhìn là thấy ngay.
Thế thì vì sao các nước cộng hoà ở Mĩ lại đứng vững và thịnh vượng chứ?
Ta cần nhận rõ trong các bộ luật đâu là cái đích chúng định đạt tới, cùng
với cách thức chúng đi tới đích; phải phân biệt cẩn thận cái tốt tuyệt đối của
luật với cái tốt tương đối.
Tôi giả định là đối tượng của nhà lập pháp là phục vụ cho lợi ích của thiểu
số trên sự thiệt hại của đa số; vậy thì họ phải kết hợp ra sao để thu được kết
quả mong đợi trong khoảng thời gian ngắn nhất với những nỗ lực ít nhất có
thể. Luật có thể được làm rất tốt, và mục đích thì xấu. Khi đó luật sẽ nguy
hiểm tỉ lệ với chính tính hữu hiệu của nó.
Nói chung thì luật pháp của nền dân trị có khuynh hướng làm lợi cho đại
đa số con người, vì luật đó sinh ra từ đa số công dân, cái đa số này có thể
nhầm, nhưng lại không thể có lợi ích đối lập với lợi ích của chính họ.
Ngược lại, luật pháp trong nền quý tộc trị có khuynh hướng giành độc
quyền tài phú và quyền lực trong tay một thiểu số, bởi vì giai cấp quý tộc về
bản chất bao giờ cũng là thiểu số.
Vậy mà nói một cách tổng quát, ta có thể phát biểu rằng đối tượng của
nền dân trị về mặt lập pháp thì có ích cho loài người hơn là đối tượng của
nền lập pháp quý tộc trị.
Nhưng tới đó thì chấm hết những ưu thế của nền dân trị.