chuyện cấp thiết cho địa phương mình; ở một địa điểm khác nữa là các ông
nông dân gác bỏ chuyện cấy cày để thảo luận quy hoạch một con lộ hoặc
một ngôi trường. Có những công dân họp nhau lại, mục đích duy nhất chỉ là
tuyên ngôn rằng họ không đồng tình với cung cách điều hành chính quyền,
còn có những công dân khác họp nhau lại để tuyên ngôn những người xứng
đáng được coi là cha đẻ của đất nước. Lại có những người khác xem chuyện
nghiện ngập rượu chè như là nguồn gốc sinh ra thói hư tật xấu của đất nước,
họp nhau lại để nêu tấm gương “giới tửu”
.
Phong trào chính trị lớn không ngừng khuấy đảo các nhà pháp chế Mĩ,
phong trào duy nhất thấy lộ diện ra ngoài, chỉ là một tình tiết, chỉ là một sự
kéo dài cái cuộc chuyển động phổ quát bắt đầu từ những tầng lớp nhân dân
thấp nhất để rồi dần dần lan tới toàn thể các tầng lớp công dân. Không còn
thấy cách nào tốt hơn cách con người ở đây cần cù lao động cho cuộc sống
hạnh phúc của mình.
Khó mà nói chắc, trong cuộc đời một con người ở Hoa Kì, hoạt động
chính trị chiếm vị trí nào. Can thiệp vào việc điều hành xã hội và nói về
công việc ấy, đó là công việc lớn nhất hạng và cũng có thể nói là thú vui duy
nhất mà người Mĩ từng biết. Ta nhận ra điều này từ những thói quen nhỏ
nhặt nhất trong đời sống người Mĩ: ngay chị em phụ nữ cũng thường đến các
cuộc hội họp công cộng, nghe diễn thuyết về chính trị và giải lao để quên đi
những chuyện cửa nhà bếp núc ngán ngẩm. Với chị em, câu lạc bộ thay thế
đến mức nào đó các nhà hát. Người Mĩ không biết nói chuyện, họ tranh
luận; họ không trình bày, họ bình luận. Bao giờ họ cũng nói với ta như nói
trước một đám người đang hội họp. Bất chợt có hăng tiết lên, người Mĩ nói
“Thưa các vị” với chỉ một người đang được hân hạnh tiếp chuyện.
Có những nước người dân chỉ chấp nhận với chút khó chịu các quyền
chính trị do luật pháp đem lại. Làm cho ông ta quan tâm đến những lợi ích
chung tưởng đâu như là lấy cắp thời giờ của ông ta vậy. Và ông ta thích co
mình trong một thứ ích kỉ chật hẹp giới hạn chính xác bằng bốn cái hố có
rào cao che chắn.