bất kì quyền lực nào trong đó, quyền lực của phe đa số như vậy cần tồn tại
lâu dài để bộc lộ được tính chính đáng. Khi nó mới được dựng lên, nó bắt
buộc mọi người phải tuân theo; chỉ sau khi sống lâu dưới các luật lệ của nó
rồi, khi ấy con người mới biết đường tôn trọng nó.
Tư tưởng về cái quyền của phe đa số được cai quản xã hội vì nó sáng láng
được những cư dân đầu tiên đem tới mảnh đất Hoa Kì. Tư tưởng này, mà chỉ
một mình nó là đủ để tạo ra một quốc gia tự do, giờ đây đã biến thành tập
tục, và ta bắt gặp nó trong từng thói quen nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng
ngày.
Dưới thời quân chủ xưa, người Pháp coi việc nhà vua không bao giờ sai
lầm là chân lí bất biến; và khi nhà vua có làm chuyện xấu thì người Pháp đổ
lỗi cho các quan tham mưu. Cách tư duy này tạo thuận lợi tuyệt vời cho sự
phục tùng. Con người có thể làu bàu chống đối luật pháp mà vẫn không
ngừng yêu quý và kính trọng kẻ lập pháp. Người Mĩ cũng có quan niệm như
vậy đối với phe đa số.
Quyền lực tinh thần của phe đa số còn có phần nữa dựa trên nguyên lí coi
trọng lợi ích của đa số hơn là lợi ích của thiểu số. Vậy là thật dễ hiểu khi
việc quảng bá sự tôn trọng quyền của đa số tăng lên hoặc giảm đi một cách
tự nhiên tuỳ theo tình hình các chính đảng. Khi một quốc gia bị chia sẻ giữa
nhiều lợi ích không thể dung hoà với nhau, thì đặc quyền của đa số thường
không được công nhận, bởi vì tuân thủ theo đó thật quá khó chịu.
Nếu như ở Mĩ có một tầng lớp công dân bị các nhà lập pháp tìm cách tước
đoạt mất những ưu đãi nào họ đã có từ nhiều thế kỉ, và tìm cách cho các
công dân đó phải từ chốn cao hạ xuống nơi ngang hàng với đại đa số công
dân khác, chắc hẳn nhóm thiểu số đó chẳng dễ gì mà tuân thủ luật pháp của
số đông.
Thế nhưng Hoa Kì là nơi của những con người bình đẳng sống chung với
nhau, nên vẫn chưa có sự li khai tự nhiên và thường xuyên giữa các lợi ích
của những cư dân các loại.