chính quyền liên bang lại là do có sự bất bình đẳng giữa các dân tộc liên
minh với nhau.
Tôi lại giả định thêm là một trong những bang trong liên minh có được
một sự nổi trội hơn để có thể riêng mình chiếm lấy quyền lực trung ương.
Bang này sẽ coi các bang khác như thần dân của mình và sẽ nhân danh chủ
quyền Liên bang để bắt buộc họ phục tùng chủ quyền của riêng bang mình.
Khi đó người ta sẽ làm được vô số điều to tát nhân danh Liên bang nhưng
nói cho đúng ra thì chính quyền đó sẽ chẳng còn tồn tại nữa
Trong hai trường hợp này, cái quyền lực hành động nhân danh liên minh
sẽ càng mạnh lên khi càng tách rời khỏi trạng thái tự nhiên và khỏi cái
nguyên tắc đã được liên minh thừa nhận.
Ở nước Mĩ, liên minh hiện thời có ích cho tất cả các bang, nhưng không
phải là điều sống còn cho bất kì một bang nào. Nhiều bang có thể phá vỡ
mối liên kết liên bang mà số phận các bang khác không hề hấn gì, cho dù
tổng số những điều hạnh phúc của họ có bị giảm mạnh. Do chỗ chẳng có
bang nào mà sự tồn tại hoặc sự thịnh vượng của nó lại hoàn toàn gắn bó với
liên bang hiện thời, nên cũng chẳng có bang nào tính chuyện hi sinh to tát để
duy trì Liên bang.
Mặt khác, cho tới nay ta cũng chẳng thấy bang nào có tham vọng mang
lợi ích lớn phải duy trì Liên bang như tình trạng hiện thời. Tất cả hiển nhiên
là đều đang tác động qua các hội đồng liên bang, nhưng ta chẳng thấy bang
nào chiếm được vị trí thống trị ở các hội đồng đó để có thể coi các bang
khác như kẻ bề dưới hoặc kẻ thần dân.
Tôi cảm thấy một điều chắc chắn là, nếu có một bộ phận Liên bang thực
sự muốn tách khỏi bang khác, thì không những người ta chẳng có cách gì
ngăn chặn nổi, mà người ta còn không định ngăn chặn nữa. Liên bang hiện
thời sẽ chỉ trường tồn chừng nào tất cả các bang tạo thành nó sẽ tiếp tục còn
có nguyện vọng làm một bộ phận của nó.
Xác định được điểm này rồi, bây giờ thì chúng ta lập luận sẽ dễ dàng hơn
nhiều: vấn đề không còn là tìm hiểu xem liệu các bang hiện đang liên minh