thâm nhập vào từng bộ phận chính yếu của đề tài đang làm họ bận tâm và họ
thích trình bày vấn đề bằng những thứ ngôn từ thô kệch. Khi đó khoa học
mang một dáng dấp chắc chắn hơn, nhưng kém cao siêu đi.
Tôi nghĩ là tư duy con người có thể chia khoa học ra thành ba phần.
Phần thứ nhất là những nguyên lí mang tính lí thuyết hơn cả, những khái
niệm trừu tượng hơn cả những điều mà bộ phận thực hành chẳng hề biết tới
hoặc là còn ở rất xa với chúng.
Phần thứ hai gồm có những chân lí chung, tuy vẫn còn rất gần với lí
thuyết thuần tuý, song đã có được một con đường trực tiếp và thẳng đến
công việc thực hành.
Phần thứ ba là những giải pháp thực hành và những biện pháp thực thi.
Từng bộ phận đó của khoa học có thể được tiến hành riêng rẽ, mặc dù
theo tính toán và bằng vào kinh nghiệm cũng cho thấy là, không một bộ
phận nào trong ba bộ phận đó lại có thể phát triển mạnh mẽ lâu dài một khi
bị tách một cách tuyệt đối khỏi hai bộ phận kia.
Ở Mĩ, bộ phận thuần tuý thực hành khoa học được chăm lo đến mức độ
thật là tuyệt vời, và ở đó người ta cũng chăm lo cẩn thận phần lí thuyết trực
tiếp cần thiết cho thực hành. Về mặt này, người Mĩ cho thấy là đầu óc họ
bao giờ cũng mạch lạc, tự do, độc đáo và phong phú. Nhưng ở Hoa Kì gần
như không có một ai hoàn toàn lao vào bộ phận chỉ mang tính lí thuyết và
trừu tượng của tri thức con người. Về mặt này, tôi nghĩ là người Mĩ tỏ ra có
dư thừa một khuynh hướng mà tại các quốc gia dân trị khuynh hướng đó có
phần nào ở mức độ thấp hơn.
Không có gì cần thiết hơn là sự suy tư đối với việc nuôi dưỡng các khoa
học bậc cao, hoặc là bộ phận bậc cao của các khoa học, và không có gì ít
thích hợp hơn cho sự suy tư như là tình hình trong lòng một xã hội dân chủ.
Không như ở các quốc gia quý tộc trị ở đây người ta không bắt gặp một lớp
người đông đảo luôn luôn ở trạng thái nghỉ ngơi vì đã có đầy đủ mọi thứ cho
mình, và một lớp người nữa không hề động đậy chân tay chỉ vì họ chẳng còn
hi vọng khá hơn nữa. Người nào người nấy ở đây đều động cựa: những