LỜI BẠT
Kết cục buồn thảm của hòn đảo Usonia trong câu chuyện mà chúng tôi
vừa kể không nhất thiết phải là số phận của một hòn đảo lớn hơn rất nhiều -
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Không may là nếu các nhà lãnh đạo Mỹ càng tiếp
tục theo đuổi những chính sách tương tự với những gì đã gây ra khủng
hoảng tài chính, thì khả năng kết cục đó diễn ra lại càng cao!
Tuy ý tưởng dùng sự can thiệp và kích thích của Chính phủ như là liều
thuốc giải độc trước những thất bại của chủ nghĩa tư bản thị trường là do
Keynes khai sinh và Tổng thống Roosevelt tiếp tục phát triển, song phải
đến thời kỳ của các ngài Alan Greenspan, George Bush, Ben Bernanke và
Barack Obama thì ý tưởng đó mới thực sự đi vào cuộc sống. Trước năm
2002, chúng ta chưa bao giờ có thâm hụt ngân sách liên bang ở mức kinh
khủng như hiện nay (vượt mức 1.500 tỷ USD mỗi năm), cũng như chưa bao
giờ chứng kiến lãi suất thấp kỷ lục và thị trường tín dụng bị làm méo mó
như hiện nay.
Những lỗi lầm về chính sách là hết sức cơ bản, thế mà chúng ta vẫn tiếp
tục mắc phải.
Năm 2002, sau vụ khủng hoảng đầu tư vào các công ty công nghệ cao
(bong bóng “dot-com”), với hàng tỷ dollar đổ vào những công ty sau đó
hoàn toàn vô vọng, nền kinh tế bước vào giai đoạn lẽ ra phải là đợt suy
thoái kéo dài hơn dự đoán. Nhưng tân Tổng thống George Bush không
muốn nền kinh tế ảm đạm vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc tái đắc cử của chính
ông ta. Thế là ngài Tổng thống và các nhà tư vấn của ông ta bốc lại thang
thuốc cũ của Keynes, Với những khoản chi tiêu của Chính phủ và việc nới
lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ cao chưa từng thấy qua nhiều thế hệ.
Kết quả, giai đoạn 2002-2003 là giai đoạn suy thoái ngắn kỷ lục, tuy
nhiên cái lợi trước mắt đó kéo theo cái giá phải trả về lâu dài là rất nặng nề.
Nước Mỹ kết thúc đợt suy thoái nói trên với sự mất cân bằng lớn hơn rất
nhiều so với trước đó. Điều này lẽ ra không được phép xảy ra.