Do bắt được nhiều cá hơn, cư dân đảo nay đã có thể ăn nhiều hơn một
con cá trong ngày. Nhưng nền kinh tế không tăng trưởng vì họ tiêu dùng
nhiều hơn. Ngược lại, người ta tiêu dùng nhiều hơn vì kinh tế tăng
trưởng. Khái niệm này hết sức đơn giản, nhưng các nhà kinh tế hiện đại có
thể làm được nhiều điều đáng kinh ngạc từ một khái niệm đơn giản như thế.
Với một số người, dường như Able đã sử dụng lợi thế của bản thân để
“bóc lột” những người hàng xóm đang gặp khó khăn. Đúng là sau này Able
kiếm ra lợi nhuận mà không phải làm việc, nhưng điều đó không có nghĩa
là anh ta tự nhiên có được nó mà không làm gì. Lợi nhuận thu được chính
là sự đền bù cho rủi ro mà Able đã gánh chịu. Hơn nữa, việc Able kiếm ra
lợi nhuận không hề ngăn cản bước tiến của những người khác.
Do Able muốn kiếm lời từ khoản tiết kiệm của mình, Baker và Charlie
có cơ hội làm những cây vợt bắt cá (tư liệu sản xuất) của họ mà không phải
tiêu dùng dưới mức, hay hạn chế tiêu dùng. Nếu thành công, họ sẽ cải thiện
được tương lai kinh tế của bản thân mà không phải trải qua những đêm
nhịn đói. Ngoài ra họ có thể thu được những khoản lợi ngoài dự đoán nữa,
chính xác hơn là dầu cá. Nếu họ thất bại và không trả được số cá đi vay lúc
đầu, chính Able mới là người chịu thiệt.
Như vậy, về cơ bản, người cho vay chỉ có thể có lợi nếu người đi vay có
lợi mà thôi.
Tất nhiên, có những người không thể thấy rõ những lợi ích song phương
như vậy. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra khi Baker và Charlie ghen tỵ với của cải
gia tăng của Able và đòi... chia phần? Hãy tưởng tượng một kịch bản khác
như sau: