Tóm lại, chàng Able của chúng ta (cũng như cả xã hội) có năm cách xử
lý các khoản tiết kiệm của mình, như sau:
1. Tiếp tục tiết kiệm.
2. Tiêu dùng.
3. Cho người khác vay.
4. Đầu tư.
5. Kết hợp cả 4 cách nói trên.
Đương nhiên là quyết định sau cùng của Able sẽ tùy vào kỳ vọng về rủi
ro và lợi ích của bản thân anh ta. Nhưng dù lựa chọn quyết định nào đi nữa,
anh ta cũng đang làm lợi cho nền kinh tế của hòn đảo và không áp đặt gánh
nặng nào cho những người bạn láng giềng của anh ta.
Và cuối cùng, Able chọn cách cho vay.
KIỂM TRA THỰC TẾ
Kết quả của việc Able có khả năng và sẵn lòng cho vay cá là Baker và
Charlie giờ đây đã có vợt bắt cá, công cụ mà trước đây họ còn thiếu. Khi
mọi người đều có vợt bắt cá, công suất bắt cá của hòn đảo tăng gấp đôi, từ
3 con/ngày lên 6 con/ngày! Nền kinh tế của chúng ta đã tăng gấp đôi về
quy mô, và tương lai dường như sáng sủa hơn.
Nhưng điều này xảy ra không chỉ vì ba chàng trai trên đảo không hài
lòng với mức sống hiện tại của họ. Sự đòi hỏi có một cuộc sống phong phú
hơn, nói theo thuật ngữ kinh tế là "nhu cầu", mới chỉ là điều kiện cần cho
sự tăng trưởng kinh tế, chứ chưa đù để đảm bảo đạt được sự tăng trưởng
đó.
Một cách tự nhiên, mọi người đều có nhu cầu ngày càng tăng. Dù đã có
bao nhiêu của cải đi nữa, chúng ta vẫn muốn nhiều hơn, nói nôm na là
"được voi, đòi tiên"! Cũng có thể là con người không đòi hỏi nhiều vật chất
hơn, mà là nhiều thời gian hơn, nhiều niềm vui hơn, nhiều lựa chọn hơn.
Tất cả những đòi hỏi đó đều cần nhiều tư liệu sản xuất hơn. Cả Able, Baker
và Charlie đều có những nhu cầu về cá giống nhau suốt bao nhiêu năm qua.
Sự khác biệt ở đây là cuối cùng họ đã có thể tăng năng suất bắt cá để đáp
ứng những nhu cầu đó.