Thực hiện ebook: www.hocthuatphuongdong.vn
74
Giã gạo, họ đếm từng chầy, mong cho gạo chóng trắng. Việc giã
gạo nhọc nhất trong nghề làm hàng xáo, nhưng trong công việc này,
họ vẫn được người nhà giúp đỡ thêm, vì mọi người trong gia đình
thừa rõ, sức một người phải cố gắng lắm mới có thể dậm nổi cần cối,
và như vậy mỏ cối không rơi xuống mạnh, gạo sẽ lâu trắng.
Trong khi giã gạo, nhiều khi theo sự lựa chọn của khách hàng, các
bà các cô hàng xáo thường hồ cho gạo đuợc trắng xanh bằng cách
giã lẫn một chút lá cây vào gạo.
Gạo giã xong, các bà các cô phải sàng để cám và tấm tách riêng
khỏi gạo.
Gạo sẽ đem bán, cám dùng cho lợn ăn, còn tấm sẽ dùng để thổi
cơm để các bà các cô ăn. Cơm tấm no lâu, sẽ giúp các bà đi chợ đường
xa quên mỏi, và ăn cơm tấm đó, các bà các cô cũng lại đã tiết kiệm
được một món tiền nhỏ cho quỹ gia đình. Cơm gạo ngon, các bà dành
cho chồng con xơi, còn tự các bà, bao giờ các bà cũng tự hy sinh ăn
cơm tấm. Chồng con có thương hại, bảo các bà cùng ăn cơm gạo
ngon, các bà chỉ cười. Có khi các bà nói:
-
Tấm cũng là gạo chứ sao! Bỏ đi hay cho lợn ăn phí quá!
Công việc làm hàng xáo bận quanh năm, nhưng các bà các cô vẫn
vui vẻ với nghề quên mệt nhọc. Hai thúng gạo đầy, hàng ngày gánh
đi chợ bán, đó là một phần thưởng đích đáng của mọi sự vất vả. Vả
lại có vất vả mới có tiền, gia đình mới vui vẻ, con trẻ mới có cơm ăn
áo mặc! Ở đời ai chẳng phải làm, không theo nghề này tất phải làm
nghề khác!
Và những ai hàng ngày bưng bát cơm đầy, hạt cơm trắng và dẻo,
mùi cơm thơm và dịu, có bao giờ đã chịu nghĩ tới những sự vất vả của
nghề hàng xáo không?
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!
Nhưng đắng cay thì mặc đắng cay, hết vất vả sẽ có lúc nghỉ ngơi,
sự nghỉ ngơi đó mới đáng quý.