Cũng như bất cứ hội nào, hội đen Mã Cương lấy sự cúng tế Đô Thống
Thượng Tướng Quân là việc chính, nhưng bên sự tế lễ, hội đền Mã
Cương còn có nhiều những tục lạ, những tục này đã phản ảnh phần nào
dân tình trong vùng và lòng kính trọng của người dân đối với vị Thành
hoàng võ tướng đời nhà Lý này.
Tảo mộ cuối năm
Cùng với những cuộc tế lễ tại đền Mã Cương, hội nơi đây bắt đầu bằng
cuộc tảo mộ tập thể của dân làng, nhất là của dân thôn Hạc Đình.
Mỗi gia tộc gồm nhiều gia đình kéo nhau tới bãi tha ma cuối thôn để
thăm viếng mồ mả gia tiên, đắp lại nấm, cuốc đi những cỏ dại, nhổ đi
những cây hoang, và cắm hương mời các cụ về hưởng Tết Nguyên Đán
cùng con cháu. Những người đi làm ăn nơi xa xôi, một năm một lần, họ
đều nhân dịp nghỉ tết về làng dự cuộc tảo mộ tập thể này. Rất vui và rất
nhộn nhịp. Ông già bà cả, người lớn trẻ em, thanh niên nam nữ đều có
mặt tại bãi tha ma, người ăn mặc nâu sồng theo lối quê mùa, kẻ áo quần
loè loẹt theo lối thị thành.
Trời cuối năm rét căm căm, người người đều có áo bông áo dạ, nhưng
trước cảnh tấp nập của dân làng, cái rét như có phần dịu đi. Thỉnh thoảng
có một vài tràng pháo nổ, xác pháo hồng bay như muốn đánh tan cơn
lạnh, và đem sự ấm cúng lại cho bãi tha ma.
Cả thôn Hạc Đình đều có mặt tại bãi tha ma. Mùi hương thơm bay ngào
ngạt từ những ngôi mộ hòa lẫn cùng mùi thuốc pháo.
Tế Tiên Thường
Cuộc tảo mộ kéo dài cho tới gần trưa, mọi người mới kéo nhau về đình
Mã Cương xem tế tiên thường, cuộc tế để chuẩn bị đón rước ngài Thành
hoàng về vui xuân hưởng Tết với dân làng.
Hội tấp nập rộn rã từ lúc tinh sương ngày ba mươi Tết cho đến lúc giao
thừa.