Cuộc thi tuyển nữ quan được tổ chức ở bãi Giang Đình. Trước bãi, một
con đường thẳng tắp chạy tới đền Mã Cương. Sau bãi là một đầm nước
không sâu lắm, nước thường chỉ đến bụng, dân chúng quen gọi là đầm
Giang Đình. Chính đầm Giang Đình này là trung tâm cuộc thi.
ĐỒ XÔI VÀ THỔI CƠM. Một trong các môn thi chính để tuyển nữ
quan là đồ xôi và thổi cơm. Thực ra hai công việc này, đã gọi là phụ nữ
Việt Nam, trừ những bọn vô dụng, mấy ai là không biết, nhưng thổi cơm
và đồ xôi lại là những công việc rất khó khăn vì không phải các nữ thí
sinh được thực hiện công việc này ở ngay trong bếp mà ở trên thuyền bơi
trên mặt đầm Giang Đình, ngay ngoài trời, có khi gặp buổi mưa phùn
hoặc gặp gió đầm thổi lùa tứ phía. Hơn nữa, dùng để nấu cơm, đồ xôi,
không ai được dùng than củi của riêng mình, mồi nấu do ban Giám khảo
phân phát và gồm toàn bã mía còn tươi khó bén lửa và rất dễ tắt nếu thí
sinh hơi vụng về trong việc gây bếp và nhóm lửa.
Cuộc thi bắt đầu từ sáng tinh sương ngày giáp Tết.
Sáng hôm đó, dọc theo bờ đầm Giang Đình, dân làng đã cho neo sẵn
hàng trăm chiếc thuyền thúng, một loại thuyền nan tròn như cái thúng,
nhưng có cặp thêm ở hai đầu hai vành bơi chèo, tạo cho chiếc thuyền
thúng thành một hình thoi nhọn hai đầu. Hàng năm dân làng phải tuyển
cho ngày hội 48 trinh nữ, nhưng số nữ thí sinh tham dự thường trên hàng
trăm, có khi đến hai trăm.
Sau tiếng trống lệnh đầu tiên của ban tổ chức, các nữ thí sinh, mỗi cô
xuống một thuyền, mang theo đồ rau hoặc kiềng ba chân để làm bếp
cùng với mọi vật liệu cần thiết: rơm ướt làm đóm, bã mía tươi làm mồi
nấu, nồi, chõ, gạo nếp, gạo tẻ…
Các cô chèo thuyền ra giữa đầm, chuẩn bị bắt bếp, đặt nồi vo gạo cho
sẵn sàng rồi chờ hồi trống thứ hai của ban giám khảo trên bãi Giang
Đình ra lệnh bắt đầu cuộc thi. Một hồi trống dài điểm thêm ba tiếng sau
cùng! Tiếng trống dứt, cuộc thi mới bắt đầu, lúc đó các nữ thí sinh mới
được nhóm lửa, nhóm cả bếp đồ xôi lẫn thổi cơm. Mỗi cô được phép