mang xuống thuyền hai cỗ bếp, hoặc đồ rau, hoặc kiềng. Trong cuộc thi
các cô được tự do muốn làm sao thì làm, thổi cơm trước hay đồ xôi trước
tùy ý, miễn cho nhanh chóng, xong sớm để chèo thuyền vào bờ nộp cơm
và xôi lên Ban Giám khảo. Các cô xong trước được thêm điểm nhanh
chóng, nhưng phải ngon, xôi phải dẻo. Nếu nồi cơm trên sống dưới khê,
tứ bề nát bét và chõ xôi rắn nát thì dù các cô có xong sớm cũng đừng hy
vọng gì đến sự trúng tuyển.
Thực ra, tài thổi cơm, đồ xôi của các cô cũng không hơn kém nhau mấy,
vì cô nào cũng đã luyện tập tinh xảo. Khó khăn đối với các cô là ở chỗ
nhóm bếp thổi lửa, và phải giữ sao cho thuyền khỏi tròng trành, thuyền
thúng lại là loại thuyền rất nhẹ dễ tròng trành và thuyền đã tròng trành,
bếp lửa hướng ra phía gió, dễ tắt.
Ngày hội lại gặp bữa mưa phùn gió bấc, các cô sẽ trải qua một cuộc thi
vất vả. Nếu mưa phùn lại biến thành mưa nặng hạt, lại là một điều may
cho các cô, các cô sẽ được lên bãi Giang Đình, trổ tài bếp nước dưới
những mái tranh.
Thực ra, để sửa soạn dự cuộc thi tuyển này, các cô đã luyện tập ít nhất
cũng từ tháng một để trau dồi nghệ thuật thổi cơm, nấu xôi ngoài mưa
phùn. Các bà mẹ đã dạy các cô cách thức nhóm lửa bằng mồi ướt, cách
thức thổi lửa mỗi khi bếp tắt, nhất là cách chọn hướng kê bếp theo chiều
gió giúp đỡ cho việc nhóm bếp cũng như cách che bếp làm sao cho lửa
cháy dưới nồi được điều hòa, không bị gió tạt đưa ra ngoài bếp. Lửa có
giữ đều, gạo trong nồi mới sôi đều, gạo trong nồi mới nở đều, cơm mới
ngon, xôi mới dẻo được. Các cô cũng lại am tường cách ước lượng thời
gian từ lúc nước sôi đổ gạo vào nồi, chét nồi đáy chõ xôi cho đến khi
chín dẻo đúng mức; các cô dùng những nén hương đốt cháy và trông
theo những đoạn hương cháy để biết nồi cơm, chõ xôi đã vừa chín chưa.
Cuộc thi đồ xôi, thổi cơm mất buổi sáng.
Trong khi các nữ thí sinh làm bài thi ở dưới đầm, ở trên bãi Giang Đình,
dân làng đông đúc đứng xem, trong số đó, có rất nhiều bà mẹ đã từng