Múa hoa
Sau trận đốt pháo là cuộc múa hoa của dân làng, nhưng hoa đây không
phải là hoa thật, cũng không phải là hoa giấy, và người múa hoa cũng
không phải là các thanh nữ trong làng hoặc các ca nhi vẫn vừa hát thờ
thần vừa múa hoa như tại hội hè các xã khác.
Dân làng Đông Kỵ gọi là tục múa hoa, nhưng đây là một cách đề cao
tinh thần thượng võ, một tục để nhân dịp các thanh niên đồng quê được
phô bày sức khỏe của mình với những thân hình rắn chắc, những bắp thịt
nở nang, những đường gân vững chãi.
Tham dự cuộc múa hoa là thanh niên bốn giáp.
Từng giáp một, đám thanh niên này mình trần trùng trục, mỗi người chỉ
vận một chiếc khố đỏ, màu đỏ là màu của vui mừng, của Tết nhất. Họ
cùng nhau kiệu lên vai ông Đám giáp họ, ông này quần áo loè loẹt,
những bộ đồ màu toàn hồng thắm bằng nhiễu, vóc, lụa hoặc gấm, tùy
theo khả năng tài chánh của từng ông, nhưng không ông nào mặc áo vải
trong dịp long trọng này.
Mặt các ông tươi, mắt các ông sáng hẳn lên và ông nào cũng có nụ cười
thoả thích.
Các ông Đám được thanh niên kiệu đi quanh sân đình ba vòng giữa tiếng
chiêng, tiếng trống hòa lẫn trong hò reo của dân làng. Sau ba vòng rước,
các ông Đám được đặt ngồi vào một chiếc chiếu cạp điều trải ở giữa
đình, ngay trước bàn thờ thần linh.
Ông Đám thường là người cao niên nhất trong giáp. Các ông đợi ông
Tiên chỉ làm lễ khấn cầu Đức Thành hoàng để xin gắp thăm xem Ngài
ban ân cho giáp nào nhất, nhì, ba, tư.
Đánh vật