NẾP CŨ, HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM - Trang 261

Để nhắc lại võ công hiển hách của thần linh, dân làng đốt liên hồi những
tràng pháo thay cho tiếng súng. Tiếng pháo cũng nói lên sự vui mừng
của dân làng, thay cho tiếng ba quân hò reo, lại thay cả những tiếng hô
của tướng lĩnh thúc ba quân xung phong tiến.

Pháo đốt ở sân đình bắt đầu từ giờ Mùi cho đến chiều tối, cho đến khi
nào dân làng đốt hết pháo. Pháo nổ lạch tạch đùng, những quả pháo cối
nổ xen lẫn những tràng pháo dây, nghe như ngày nay những tiếng đại bác
lẫn vào những tiếng liên thanh.

Giữa những tiếng pháo nổ lại có những tiếng la hò của dân làng như lệnh
vỡ. Thật là tưng bừng, thật là náo nhiệt, thật là vui thú với cảnh thanh
bình.

Trước (1945), vật liệu làm pháo còn mua được dễ dàng, trong làng có
người làm được những quả pháo dài tới 16 thước ta, đường kính 4 thước
ta (gần hai thước ngày nay), nghĩa là to nhinh nhỉnh như thân chiếc phi
cơ DC-3. Quả pháo được treo cao trên cây, ngòi thật dài, lúc đốt dân làng
phải tránh xa.

Còn những tràng pháo cũng dài, dài một cách khả kính, lúc đốt đã phải
treo trên cây cao, vẫn còn phải vắt qua tường đình, qua nhà tám mái
thõng xuống sân đình. Bắt đầu đốt, pháo nổ phải hàng giờ mới hết.

Lớn, nhỏ, dân làng ai cũng đốt pháo. Tiếng pháo làm hoảng sợ quân
địch, xua đuổi tà ma, nói lên sự hân hoan của dân làng và tượng trưng
cho sự thịnh vượng của toàn xã.

Với pháo đốt như vậy, chúng ta hãy tưởng tượng sân đình ngày hôm đó,
xác pháo rắc ra sao, và mùi khói pháo bốc lên vừa thơm vừa khét tới độ
nào. Xác pháo hồng như muốn khoe với hoa xuân, đua với màu sắc sặc
sỡ quần áo ngày xuân.

Ngày Tết càng vui vẻ, người ta chơi Tết càng hân hoan theo pháo nổ để
tự thưởng công cho những ngày lam lũ vất vả quanh năm.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.