NẾP CŨ, HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM - Trang 260

giáp mình, làm vinh dự cho giáp trước làng xã và cũng chính để tạo sự
kiêu hãnh cho bản thân mình.

Lễ thần xong, cụ nào cụ nấy đều nhào tới ôm lấy cây cột. Chỉ có một cây
cột, cụ nào cũng muốn ôm lấy, các cụ phải tranh nhau xô đẩy, quần áo
chỉnh tề của các cụ biến thành xốc xếch. Các cụ có thể ôm được cây cột,
nhưng các cụ không giữ nổi cây cột.

Cụ này ôm được cây cột, cụ kia đã vén quần, xắn tay áo, cài vạt áo, xông
vào lôi mạnh cụ ra. Một bên cố ôm lấy cột, một bên cố lôi cho ra, có khi
trong trường hợp cả 4 giáp đều dự tranh, một cụ ôm cột, hai ba cụ lôi ra.

Cuộc tranh ôm cột trước còn là lôi kéo, sau biến thành vật nhau... và
trong khi đó dân các giáp đứng ngoài cứ vỗ tay, reo hò cổ vũ.

Các cụ cứ tranh nhau, quần áo xô lệch tả tơi, có cụ văng cả mũ ni, tuột cả
búi tóc, nhưng không cụ nào chịu bỏ cuộc, và vì tuổi già, các cụ vừa thở
hổn hển vừa tranh nhau. Các cụ tranh nhau cho tới bình minh, không ai
chịu thua ai. Lúc ấy ban hội đồng làng với các quan viên can thiệp để
định đoạt. Sự định đoạt có nhiều khi các cụ không chịu, cho là thiếu vô
tư, nhưng thiểu số phải phục tùng đa số, lệnh của ban hội đồng với các
quan viên là lệnh của làng, các cụ không phục cũng đành ôm hận thôi.

Đốt pháo

Ngày Tết, ngày hội Xuân, thường thường làng nào cũng đốt pháo, nhưng
đặc biệt làng Đông Kỵ, khi đốt pháo thì đốt những quả pháo khổng lồ
bên những tràng pháo dây. Chiếc pháo khổng lồ này có thể to bằng thân
một phi cơ DC3, bằng đầu máy một đoàn xe lửa.

Tiếng pháo tượng trưng cho tiếng súng của Thiên Cương để bắn quân
địch.

Theo sự tích, ngày mồng bốn, quân của Thiên Cương đế giao tranh với
quân giặc kịch liệt và đã đại thắng trong trận này.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.