Người nuôi phải mua đền con lợn khác. Nếu con lợn đến kỳ tế thần
không được béo tốt, người nuôi sẽ chịu sự khiển trách của dân làng.
Con lợn hôm hội làng được dắt ra Đình. Lúc con lợn dắt tới, thanh niên
hai giáp Đông và Đoài đứng hai bên bàn thờ. Con lợn được thả lỏng đi đi
lại lại giữa hai hàng người và chung quanh còn có dân làng xúm vào xem
lễ.
Nghi thức trình lợn lên Đức Thành hoàng được ông Tiên chỉ hoặc Cai
đám đảm trách. Ông thắp hương khấn lễ. Tưởng nên nói thêm là con lợn
trước khi được dắt ra Đình đã được tắm rửa sạch sẽ.
Lễ trình lợn đã xong. Một thanh niên được dân làng chỉ định luân phiên
giữa hai giáp, năm nay người giáp này, sang năm người giáp khác, tay
cầm một thanh gươm thật sắc theo dấu hiệu của ông chủ lễ, nhảy ra nắm
cổ con lợn chém một nhát. Phải chém thật mạnh và chém làm sao một
nhát đứt đầu con lợn.
Con lợn đang đi đi lại lại bị một nhát gươm chết không kịp kêu, đầu
văng xuống, tiết hộc ra từ cổ và thân hình lảo đảo rồi ngã xuống trước
bàn thờ.
Người ta hứng lấy tiết của nó vào một chiếc chậu đoạn đem cạo lông mổ
thịt ở ngay Đình để sửa lễ cúng thần. Ở đầu hiên Đình lúc đó đã sẵn một
nồi nước sôi.
Tục chém lợn cũng như tục chém gà trông thật man rợ, nếu ai được
chứng kiến tận mắt. Cả hai tục này, ngoài mục đích tế tự, cũng có phần
nào khuyến khích việc chăn nuôi gia súc, phải nuôi cách nào để gia súc
mau lớn và béo.
Dù sao cả bốn cổ tục tại Hội làng Tích Sơn chúng tôi đã trình bày đều do
ảnh hưởng nơi vị thần linh dân làng tôn thờ lúc sanh tiền là một tên
tướng cướp, tục lệ ngày hội để thờ thần tướng cướp dù nhiều dù ít cũng
nhiễm tàn bạo tính. Hay là sau hình thức tàn bạo này, mỗi cổ tục trên lại
có một ý nghĩa tượng trưng nào khác chăng?