được mùi thơm thuần chất lúa gạo. Mua nồi, các bà các cô thường kén
chiếc nồi đất nung già, với màu đỏ thẫm, nồi như vậy đỡ bắt lửa.
Cơm được thổi ở nhà, chỉ mang ra Đình lúc dự thi. Theo lời các bà các
cô ở Tích Sơn, các bà các cô phải dùng hai chiếc nồi, một chiếc nồi cũ và
một chiếc nồi mới, và cũng phải có hai bếp, một bếp lửa và một bếp
than, bếp lửa bắc nỗi cũ và bếp than đun nồi mới.
Nồi cũ đun nước cho sôi, nước sôi đổ sang chiếc nồi đất mới. Nước đổ
vào nồi mới đã đun nóng, không cần đun bằng lửa, chỉ dùng bếp than,
mặt ngoài nồi cơm không bao giờ ám khói. Lúc nước sôi đổ vào nồi đất
mới, gạo đã vo từ nửa giờ trước và đổ vào sau. Gạo phải vo trước, để ráo
nước, bớt lạnh cơm khởi trương. Từ lúc gạo đổ vào, cơm chỉ thổi bằng
than hồng.
Đã đổ gạo vào nước sôi, người thổi cơm phải ghế cơm cho đều tay. Bếp
phải luôn luôn giữ than hồng cho đến lúc cơm chín. Cơm ghế rồi, dùng
một chiếc lá mít miết lên trên mặt cho mịn, và như vậy, nồi cơm sẽ chắc
như cơm nắm. Như thế tức là thổi cơm mở vung. Thổi khéo thì cơm dẻo,
mịn và thơm mát, nồi cũng không ám khói.
Hôm thi nấu cơm, những ai phải thổi cơm đều mang nồi cơm của mình
ra Đình. Những nồi cơm được xếp thành hàng ở nhà tiền tế, nồi nọ liền
nồi kia, mỗi nồi đều có vung đậy. Ở vung và ở thành nồi có viết chữ
bằng vôi đề tên họ mỗi thanh niên dự thi. Hội đồng chấm thi gồm các cụ
và các quan viên đi xem từng nồi cơm, mở vung xem mặt cơm, nắn tay
vào nồi cơm để hiểu độ dẻo. Hội đồng soát cơm xong, bao nhiêu nồi thổi
khéo đều cho bưng đi, và đấy là những nồi nhất và nhì, có nhiều nồi nhất
và nhiều nồi nhì. Cùng thổi khéo bằng nhau, những nồi của chức sắc
được bầu nhất và những nồi của dân đinh phải sắp nhì.
Những nồi nhất dùng cúng thờ thần, các cụ và các quan viên được thừa
hưởng, và một phần biếu khách thập phương tới dự lễ thánh.
Những nồi khác dân đinh ăn với nhau, bốn người một cỗ, mỗi cỗ hai nồi
cơm.