Không thấy thần tích nhắc tới, sau này Lý Công bị chết ra sao, chỉ biết
khi chết gặp giờ linh nên được dân làng Niệm Thượng thờ làm Thành
hoàng.
Những cổ tục
Hội làng Niệm Thượng ngoài những lễ nghi thường lệ có những cổ tục
nhắc lại kỷ niệm lúc sinh thời của Lý Thành hoàng.
Chém lợn
Trong hội làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú),
cũng có tục chém lợn chúng tôi đã nhắc qua, nhưng tục chém lợn ở làng
Niệm Thượng khác hẳn tục chém lợn ở làng Tích Sơn. Con lợn hy sinh ở
làng Niệm Thượng khi bị chém còn đang bị nhốt ở trong cũi, và ở đây
một năm chém hai con lợn do hai giáp trong làng.
Tục này nhắc lại lúc Lý Công bị đói đã chém con lợn ở núi Nghè.
Nuôi lợn
Hai con lợn được nuôi từ tháng 7, tháng 8 âm lịch năm trước do hai
người trong hai giáp được chỉ định. Lợn giống của hàng giáp nhưng
người nuôi phải tốn công và phải giữ gìn cho sạch sẽ từ chuồng cho tới
đồ ăn của lợn. Thường người nuôi cho lợn ăn cám nấu với rau muống,
rau muống phải rửa sạch trước khi băm để hầm với cám, ngõ hầu tránh
mọi thứ dơ bẩn lẫn trong rau khả dĩ làm cho lợn sinh đau ốm.
Trước ngày hội một tháng, lợn được nuôi bằng cháo thay cho cám.
Lợn được chăm sóc cẩn thận và được cung kính gọi là Ông.
Rước lợn
Hội làng được bắt đầu sửa soạn vào ngày mồng 5 tháng Giêng. Hôm đó
tại đình làng có lễ cáo thần linh và có tế gọi là cáo tế. Cáo tế xong, thừa
lộc thánh, dân hai giáp cùng nhau ăn uống no say. Sau đó mỗi giáp đều