Thần tích ghi rằng về đời Đường khi Lý Thường Minh làm Thứ sử Giao
Châu, một hôm nhàn du đến đây ngắm phong cảnh, nằm mộng thấy từ
trên trời bay xuống hai thiên tướng.
Hai thiên tướng này là hai anh em ruột. Lý Thường Minh mời hai vị thi
tài, ai hơn sẽ ở lại hưởng hương khói của dân làng Bạch Hạc. Đức Thổ
Lệnh đại vương là anh, bước một bước qua sông, và một bước nữa thì lùi
về chỗ cũ. Ngài bước mạnh đến nỗi in hằn vết chân lên một tảng đá, nơi
đây khi hàng năm trong kỳ hội tháng Ba có cuộc đua thuyền, thuyền bắt
đầu khởi hành.
Theo lời dân chúng, ở bên kia sông cũng có một vết chân như vậy, nhưng
vì lâu năm bị đất phù sa che lấp đi. Tảng đá về mé sông Bạch Hạc, dân
làng còn ghi được và cất giữ ở Đình làng. Vết chân dài một thước, rộng
năm tấc.
Em đức Thổ Lệnh đại vương là đức Thạch Khanh đại vương được dân
làng Thọ Sơn, huyện Hạc Trì tỉnh Phú Thọ thờ phụng.
Do sự liên hệ huynh đệ giữa hai vị thần linh, dân hai làng Bạch Hạc và
Thọ Sơn có tục giao hiếu với nhau trong những kỳ tế lễ hội hè của hai
làng.
Những cổ tục
Hội Bạch Hạc với hai kỳ tháng Giêng và tháng Ba mỗi năm, nhiều cổ tục
được nhắc lại, nhưng đáng chú ý nhất, ở đây có cuộc thi thuyền trên sông
Lô và tục cướp cầu. Còn những tục khác như chơi cờ bỏi, tế lễ thì cũng
không khác gì ở những hội Xuân, hội Thu khác miền Bắc.
Cướp cầu
Tục cướp cầu diễn ra trong thời kỳ hội mồng Ba tháng Giêng. Đây là
một thú vui đặc biệt của dân làng và hàng năm, trong ngày hội, dân
chúng các xã lân cận đã kéo nhau tới đây rất đông để xem và đôi khi
cũng tham dự cuộc cướp cầu.