nhau, họ chen chúc nhau, họ cười, họ nói, họ gọi nhau ơi ới, người này
ngã, người kia reo, cho đến khi một người nắm chặt được bộ cầu, sự ồ ạt
mới ngừng.
Sáu quả cầu sau do hai vị chức sắc hoặc bô lão khác mỗi người tung ba
quả, nhưng lần này, không còn hai bài văn chúc, chỉ có trống đánh nhịp
và mọi người hò reo.
Mọi người lại xô đẩy chen lấn nhau như lần thứ nhất. Họ tin rằng cướp
được cầu sẽ gặp may mắn. Họ tranh giành nhau rất hăng hái, đàn ông,
đàn bà, thanh niên nam nữ đều dự cuộc, không phân biệt người thân kẻ
lạ, người gần kẻ xa, người sang kẻ hèn.
Cướp được cầu, dù một quả hay cả bộ ba quả, có thể đem về nhà làm kỷ
niệm, hoặc để thờ tại Đình. Thường thường dân làng Bạch Hạc cướp
được cầu, họ vẫn mang tới Đình để thờ cho tới năm sau.
Tục cướp cầu, tuy chỉ là một cổ tục cử hành hàng năm theo nghi thức cổ
truyền, nhưng đây chính là một cổ tục đề cao tinh thần thượng võ, chứng
tỏ người dân Việt Nam luôn luôn sẵn sàng đấu tranh, và ở đây đã biểu lộ
cả các tinh thần bất khuất nó đã khiến dân tộc Việt Nam được tự chủ với
bốn nghìn năm lịch sử.
Thi thuyền trên sông Lô
Cuộc thi thuyền hàng năm làng Bạch Hạc tổ chức vào ngày rã đám trong
kỳ hội từ móng Mười đến Mười Ba tháng Ba, tổ chức ngay trên dòng
sông Lô để dân xã và khách trẩy hội từ thập phương tới có thể đứng hai
bên bờ sông dự xem.
Làng có bốn giáp: Bộ Đầu, Tiểu Hạc, Đông Nam và Thần Chúc. Mỗi
giáp có một chiếc trải dài bằng gỗ chò[1], dài hơn hai chục thước, rộng
chừng thước rưỡi, đóng bằng nguyên cả cây gỗ theo chiều dài. Chiếc trải
có năm chục bơi chèo ở hai bên; đầu trải uốn thành đầu rồng và đuôi trải
cũng lượn khúc như đuôi rồng.