chọn.
Hội đồng lần lượt đi xem từng ông Đô một, lựa chọn các ông theo bốn
tiêu chuẩn: Đẹp, nặng, lớn, chân tốt. Khi các ông Đô đã được lựa chọn,
các ông sẽ được đưa lên cân để xem nặng nhẹ.
Vì ai cũng muốn con lợn mình nuôi được giải, sự chăm nuôi rất cẩn thận.
Thường ông Đô nào cũng dài trên một thước, béo mập, lúc đi bước
những bước rất chậm chạp, hai con mắt ti hí như hai đường chỉ. Các ông
Đô phải là loại lợn đen tuyền, tục làng không chấp nhận lợn lang, ông
Đô nào dù chỉ có một chiếc lông trắng cũng bị làng loại.
Trong lúc hội đồng xét các ông Đô, dân làng, người lớn trẻ con xúm
quanh rất đông.
Mổ thịt ông Đô
Nuôi ông Đô đã vất vả, khi mổ thịt ông cũng lại rất cầu kỳ. Thường
thường từ ngày 17 tháng Chạp các ông Húc Bờ và các vị chuẩn bô lão đã
làm rạp mổ bò mời bà con tới ăn mừng.
Ngày 18, từ nửa đêm, ông Đô được đem mổ thịt. Phải kén trai thanh tân
mới được chọc tiết mổ thịt ông! Cạo lông xong, ông Đô được phân thây
xả ra làm nhiều miếng cỡ hai chục hay ba chục phân, xếp trên phên tre,
mỗi phên tre vào khoảng năm miếng thịt. Những phên tre này được đặt
lên mâm bưng ra đình làng.
Ngoài những ông Đô được giải dùng để cúng thần làng và thần Hổ, thịt
các ông Đô khác dùng để chia biếu người trong hàng giáp, giáp nào riêng
các ông Đô thuộc về giáp ấy.
Tục nuôi Ông Đô nhìn qua thấy tốn kém đối với các đương sự, nhưng
thực ra đây là một hình thức khuyến khích chăn nuôi. Nhờ có tục này,
dân làng Thổ Tang có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chọn lợn giống
cũng như trong việc nuôi lợn, vốn vẫn là một nghề phụ và là một nguồn
lợi lớn của dân làng.