NẾP CŨ, HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM - Trang 381

Dưa hái xong, các chủ điền đích thân chọn những quả dưa già, lớn, nặng
đem ra trình làng.

Tại đây, Hội đồng giám khảo gồm Hội đồng kỳ mục và một số các bô lão
như đã nói trên sẽ xét dưa theo các tiêu chuẩn: giống dưa tốt, đẹp mã,
già, đầy đặn, bổ ra đỏ tươi hoặc vàng lại nhiều cát.

Cuộc chấm thi dưa chia làm hai đợt rất hào hứng:

Đợt thứ nhất chọn những trái dưa đẹp, già, đầy đặn; Đợt thứ hai đưa dưa
lên cân xem quả nào nặng nhất rồi mới xếp hạng.

Dưa lựa được xếp hạng nhất, và chỉ có hạng nhất và hạng hai.

Dưa hạng nhất được rửa sạch cúng thần ở đình làng và tên chủ dưa được
loan truyền cho dân làng rõ.

Dân làng Thổ Tang tin rằng, chủ điền nào có dưa được chọn cúng thần,
ngoài điểm đây là một điều vinh dự, cả năm đó làm ăn sẽ thịnh đạt.

Thi dưa là một cổ tục, nhưng cổ tục này nhằm mục đích khuyến khích
việc trồng dưa. Các chủ ruộng phải biết cách chăm bón và luôn luôn phải
có những sáng kiến để việc trồng dưa có kết quả. Họ phải đi tìm kiếm
giống tốt, nhờ sự tìm kiếm này mà dưa hấu của làng Thổ Tang có đủ loại,
từ loại dưa hấu đỏ ruột như ở miền Nam, đến loại dưa vàng, ngọt, nhiều
cát, quả dài có vành đen giống như miền Thanh, Nghệ Tĩnh.

Các cổ tục hội xuân

Ngoài tục thi ông Đô trong ngày lễ cuối năm và tục thi dưa hấu vào
tháng Năm âm lịch, trong hội Xuân tổ chức từ 14 đến 23 tháng Giêng
như trên đã trình bày, làng có nhiều trò vui cho dân làng và các khách
xem hội giải trí, như đánh vật, đánh Cờ bỏi, Tổ tôm điếm đã được trình
bày trong một số các hội về kỷ niệm lịch sử, hoặc tôn giáo.

Thời thế diễn biến, có ai ngày nay tới Thổ Tang, nhắc tới những tục lệ
cổ, chẳng qua chỉ còn lại chút dư âm.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.