trâu mang trình diện được cho uống rượu, sau đó mới bị làm thịt cắt tiết
thui vàng rồi khiêng vào trước sân đền để làm lễ tế.
Ngày 24 tháng chạp
Đây là ngày hội quan trọng nhất trong năm của xã Hát Môn. Trong ngày
hội này hàng ngàn trai gái trong làng được động viên để chia thành hai
đạo binh tiền hậu.
Tám cô trinh nữ nhan sắc được lựa chọn để theo sau hầu kiệu Hai Bà.
Các thanh niên được cắt đặt vào những địa vị cao thấp trong ngày hội tùy
theo gia thế từng dòng họ. Thanh niên nào ba đời bạch đinh sung các
chân vác cờ, vác giáo, khiêng chiêng, khiêng trống, hoặc làm quân lính.
Hạng thanh niên trí thức hay con nhà gia thế được mang gươm phù giá.
Cắt đặt xong mọi người phải tập dượt hàng tuần trước.
Nửa đêm hôm 24 tháng Chạp, nghe tiếng trống làng thanh niên thanh nữ
tập họp thành từng đội rước thần tượng ra bờ sông làm lễ mộc dục sau đó
lại rước thần tượng về đền.
Đêm hôm giá lạnh mùa đông, đám rước rầm rộ giữa tiếng đàn nhạc.
Người dân Hát Môn vui sướng vì đã lo tròn nhiệm vụ đối với hai vị nữ
anh hùng trong ngày kỷ niệm và cùng nhau, đây là dịp người ta ôn lại
lịch sử oai hùng của Hai Bà.
Hội đền Hạ Lôi
Làng Hạ Lôi, phủ Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (Vĩnh Phú) ngày nay, tức là
Mê Linh xưa, dân làng cũng có đền thờ Hai Bà. Hàng năm làng này mở
hội vào ngày 15 tháng Giêng, nhân dịp lễ Thượng Nguyên.
Không hiểu tại sao làng này lại làm lễ kỷ niệm Hai Bà vào ngày Thượng
Nguyên, có lẽ dân làng cho ngày rằm tháng Giêng là ngày tốt đẹp nhất
trong năm chăng?