Pháo với hội hè đình đám
Khi trình bày về tục lệ trong nhiều hội hè, chúng tôi đã từng nhắc tới tục
đốt pháo tại nhiều xã như Đông Kỵ, Thị Cầu và một số các xã thuộc các
tỉnh miền núi Bắc Việt Nam.
Không kể những xã có tục đốt pháo với những quy lệ riêng biệt, thường
thì trong các hội Xuân bao giờ cũng có tiếng pháo: pháo để khai hội,
pháo để mừng thần linh, pháo để tặng thưởng cho những người trúng
giải trong các cuộc thi vui và pháo để trai gái chòng ghẹo nhau.
Trong thời thanh bình, mở hội là có đốt pháo.
Dân ta tin rằng, tiếng pháo đuổi trừ ma quỉ, tiếng pháo mang lại hạnh
phúc cho dân làng, và tiếng pháo phản ảnh sự tưng bừng nhộn nhịp của
những ngày hội vui vẻ. Ngoài ra, với xác pháo hồng, nhất là khi xác
pháo toàn hồng, người ta đón chờ những điều may mắn, màu hồng tượng
trưng cho sự tốt đẹp.
Chính vì tin ở phép mầu nhiệm của pháo và của tiếng pháo, nên ngày
Xuân, ngày Tết tại khắp thôn quê, kẻ chợ đâu đâu trước đây người ta
cũng đốt pháo.
Cứ mỗi năm Tết đến, xưa kia, dân ta đã tiêu tốn không biết bao nhiêu
tiền pháo và ngay từ chiều Ba mươi Tết pháo đã bắt đầu nổ: Pháo đốt để
đón mời Ông Vải.
Trong ngày Tết, khi khách đến xông nhà, khách đốt mừng gia chủ bánh
pháo; gia chủ tiếp khách xông nhà cũng đốt mừng bánh pháo.
Mùi pháo thơm khét, xác pháo đỏ hồng bay theo chiều gió tượng trưng
cho sự hân hoan của cả chủ lẫn khách.
Con cháu mừng tuổi ông bà, có khi cũng đốt mừng bánh pháo kèm theo
những lời chúc tụng.