Pháo đùng có thể ngòi ngang hoặc ngòi dọc. Pháo này bên ngoài thường
áo sắc đỏ màu tiết dê, bên trong được quấn bằng giấy, nhất là giấy nhật
trình cũ. Cũng có khi áo pháo dùng giấy màu ngũ sắc, lại có vấn trang
kim trông thật rực rỡ đẹp đẽ xứng với ngày Xuân.
Pháo tràng
Pháo tràng là loại pháo nhỏ kết thành từng tràng. Muốn kết từng tràng,
thợ làm pháo dùng một chiếc ngòi cái ở giữa.
Những chiếc pháo nhỏ có ngòi dọc được kết vào chiếc ngòi cái này bằng
ngòi của chúng, lần lượt chiếc này đến chiếc kia, ở cả một bên hoặc ở hai
bên chiếc ngòi cái. Khi đốt pháo, lửa châm vào ngòi cái, ngòi cái cháy,
lửa truyền sang các ngòi con, những chiếc pháo sẽ theo nhau lần lượt nổ,
như đạn ở một khẩu súng liên thanh, kêu lên lạch tạch, lạch tạch.
Có khi người ta kết xen vào tràng pháo nhỏ những chiếc pháo đùng, khi
đốt tràng pháo sẽ có những tiếng lạch tạch đùng, như giữa tràng súng
liên thanh nổ vang một trái lựu đạn hoặc một tràng súng đại bác vậy, lạch
tạch do pháo nhỏ nổ, còn đùng do pháo lớn phát ra.
Pháo tràng được đóng thành từng bánh hình chữ nhật, hoặc khi nào tràng
pháo thật dài, người ta đóng thành những bánh cối hình tròn, trông giống
như hình chiếc cối đá giã cua.
Những tràng pháo có xen lẫn những chiếc pháo đùng thường bao giờ
cũng dài, nên luôn luôn được đóng thành bánh cối.
Những bánh pháo đùng hình tròn được mệnh danh là những tràng pháo
cối hoặc tràng pháo ghép, do sự ghép những quả pháo lớn trong đám
pháo nhỏ. Pháo lớn dùng để ghép vào tràng pháo đều phải có ngòi dọc,
ngòi ngang không thuận tiện cho sự ghép tràng.
Pháo tép, pháo chuột