Những pháo nhỏ, loại thật bé, mang tên là pháo tép, chỉ bé như con tép,
hoặc pháo chuột, khi đốt tràng pháo lắc lư như chuột nhảy, nhất là khi
em bé đốt tràng pháo rồi vất xuống sân, trông thực chẳng khác chi con
chuột nhắt nhảy vậy.
Pháo nhị thanh, pháo tam thanh
Pháo nhị thanh hoặc tam thanh là thứ pháo nổ hai hoặc ba tiếng liền
nhau.
Làm những loại pháo này người ta phải dùng những quả pháo đùng.
Làm pháo nhị thanh, người ta dùng một chiếc ngòi pháo hơi dài nối hai
đầu pháo vào nhau, chiếc ngòi thông vào lòng cả hai quả pháo, một quả
ở dưới và một quả ở trên. Để hai quả pháo khỏi rời nhau, người ta bọc ở
ngoài một chiếc áo chung.
Quả pháo ở dưới, ngoài chiếc ngòi dọc nối liền với chiếc pháo trên còn
có một chiếc ngòi ở ngang giữa bụng.
Khi đốt pháo, quả pháo đôi này được đặt đứng, quả pháo ngòi ngang ở
dưới, vì cần để quả pháo có thể đặt đứng được, chiếc pháo này, đầu dưới
được giữ nguyên, không ghim cặp lại, ngõ hầu mặt bằng như một chiếc
đế. Lửa được châm vào chiếc ngòi ngang quả pháo dưới. Pháo nổ làm
bắn tung quả pháo trên lên cao, đồng thời khi pháo nổ, lửa bắt vào thuốc
và cũng bắt luôn vào chiếc ngòi ăn thông giữa hai quả pháo.
Chiếc ngòi cháy, bắt vào thuốc của quả pháo trên, quả pháo này khi bắn
tung lên trời cũng nổ theo quả pháo dưới. Hai tiếng pháo nổ cách nhau
một vài tích tắc.
Thợ làm pháo đã khéo ghim đầu quả pháo dưới để khi nổ pháo sẽ bật
đầu, và như vậy mới làm bắn tung được quả pháo trên lên cao. Muốn
như vậy, thân quả pháo dưới phải quấn thật chặt, khi pháo nổ không bị
vỡ bụng, và đầu đặt ở dưới đất tuy không ghim vào nhưng cũng phải
chèn chặt thật kỹ, như vậy, khi pháo nổ bao nhiêu hơi mạnh dồn cả lên