tôi đã kể ở trên là các ông Trịnh Tấu và Nguyễn Xoan đều bị tai họa do
thuốc pháo tây gây ra. Trước năm 1925, nghề làm pháo được tự do nên
dân chúng có nhiều nơi làm pháo, như ở Bắc Ninh có làng Thị Cầu, làng
Đông Kỵ, ở Hà Đông có làng Bình Đà, ở Hải Dương có làng Vĩnh Bảo,
và ở Trung Việt tại các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, có nhiều làng làm
pháo thăng thiên và pháo bông.
Nhưng về sau chính quyền Pháp thấy ở nghề làm pháo một mối lợi có
thể dành cho kiều dân của họ, nên đã dựa vào những tai nạn xảy ra, đặt
ra luật lệ hạn chế việc làm pháo, bắt phải có xưởng, phải có sự kiểm soát
và trăm nghìn thứ bó buộc khác, ngoài việc đóng thuế pháo.
Dân quê nghèo lấy đâu tiền để theo đủ luật lệ ấn định, nghề làm pháo
trong dân gian mất từ đó, và người ta đã thấy xuất hiện ở Đáp Cầu một
nhà máy pháo của người Pháp và ở Bình Đà một xưởng làm pháo của
một người được chính quyền Pháp nâng đỡ. Thợ làm pháo ở nhà máy
Đáp Cầu đều là người làng Thị Cầu, còn thợ làm pháo ở xưởng pháo
Bình Đà đều là những người dân chuyên nghề làm pháo ở làng này
trước.