Chiến đấu tính trong một số các cổ tục Việt Nam
Dân tộc việt Nam sống bên cạnh nước khổng lồ Trung Hoa, đã luôn luôn
phải chiến đấu để tự tồn, rồi trước sức mạnh của phương Bắc, tổ tiên
chúng ta đã phải lùi về phương Nam.
Khi mới đặt chân tới đất nước ngày nay, nơi đây nếu không phải là núi
rừng cằn cỗi thì cũng là những đồng lầy hoang tịch. Muốn sống chúng ta
phải tranh đấu, chống cự lại người Tàu ở miền Bắc, dần bành trướng về
miền Nam. Chống cự với người, tổ tiên chúng ta lại phải chống cả thiên
nhiên để biến tạo một phần núi rừng và cánh đồng lầy phương Nam
thành ruộng đất phì nhiều ngõ hầu cung ứng hoa màu nuôi sống được
dân số. Tổ tiên chúng ta đã thắng vì bước chân Nam tiến của người
Trung Hoa phải ngừng ở Nam Quan, và nước ta cố giữ vững biên cương
trong vùng giáp giới ba tỉnh Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây của
người Tàu. Chúng ta cũng lại đã thắng thiên nhiên, khai thác được cả
một vùng rừng núi lẫn đồng lầy của châu thổ hai sông Hồng Hà và Thái
Bình, chế ngự được cả cái rét cắt ruột của mùa đông, lại chịu đựng được
cái nóng thiêu đốt của mùa hạ. Tinh thần đấu tranh của dân tộc ta vững
bền trải qua bao nhiêu thế hệ, và chính nhờ tinh thần đấu tranh, dân tộc
ta đã vững nuôi ý chí quật cường đủ ngăn chặn mọi cuộc xâm lăng từ
phương Bắc và dần dần mở rộng cõi bờ về phương Nam.
Chúng ta đã vùng vẫy chiến đấu, thoát ách đô hộ hơn một ngàn năm của
người Tàu, và chúng ta luôn nổi dậy trong tám chục năm thống trị của
người Pháp.
Dân tộc Việt Nam luôn luôn có tinh thần chiến đấu, và chiến đấu tính đã
được thể hiện trong rất nhiều cổ tục của ta, những cổ tục này mỗi năm
với dịp Hội hè đình đám được biểu diễn lại như nung nấu ý chí quật
cường, như nuôi dưỡng sức đấu tranh bền bỉ của dân ta. Thực vậy, những
cổ tục đầy chiến đấu tính, và ta có thể nói thêm, đầy thể thao tính theo
danh từ mới ngày nay, đã luôn luôn duy trì, biểu dương và phát huy tinh