hết tạo nên sức mạnh chung, và trong sự đoàn kết hợp quần này sẽ nảy
nở tinh thần tương thân tương trợ.
Xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp, văn hóa cũng là văn hóa
nông nghiệp, truyền thống lấy gia tộc làm cơ sở, và nhiều gia tộc họp
thành cộng đồng xã thôn. Giữa cá nhân, gia tộc và xã thôn có một dây
liên hệ chặt chẽ và thiêng liêng[1].
Một người làm nên có thể mang hãnh diện tới cho cả một làng, hoặc trái
lại, nếu một có hành vi xấu xa, cả làng sẽ mang tiếng lây, vì tới đâu, nhắc
tới một nhân vật người ta đều nói tới quê hương của nhân vật này. Do đó
làng xã có nhiệm vụ và quyền hạn đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình,
cũng như mỗi người mỗi gia đình là những phần tử nhỏ đều có trách
nhiệm về sự thịnh suy của làng xã. Nói tới làng xã tức là nói tới tất cả
những người trong làng, người này đối với người khác.
Giữa những người này họ có nhiệm vụ và quyền hạn liên quan tới nhau;
trong nếp sống, họ luôn luôn bị ràng buộc với nhau. Sự ràng buộc tinh
thần trên danh nghĩa người làng, có lẽ các cụ cho là chưa đủ, các cụ đã
đặt ra bao nhiêu tục lệ để tăng cường cho sự ràng buộc, và để vật chất
hóa sự ràng buộc tinh thần này.
Dưới đây là một số các tục lệ cổ võ cho tinh thần tương trợ, hợp quần và
đoàn kết tại các xã thôn Việt Nam.
Tương trợ hiếu hỉ
Chính ra điểm này không nằm trong phạm vi hội hè đình đám, nhưng
nhân nói đến tinh thần tương trợ chúng tôi xin phép được ghi thêm để
làm tài liệu.
Nhà nào có việc hiếu, việc hỷ, bà con họ hàng, hàng xóm và người làng
tới giúp cùng, và giúp của dưới danh hiệu tiền mừng hoặc tiền viếng, nếu
không phải là tiền thì cũng là những đồ dùng cần thiết.