Một người chồng mệt nhọc về công việc đồng áng, hoặc bận rộn đến bực
mình vì công việc bên ngoài, khi trở về nhà chỉ cần nụ cười tươi tắn của
vợ bên mâm cơm thanh đạm nhưng cơm dẻo canh ngọt là bao nhiêu sự
mệt nhọc, bao nhiêu sự bực mình đều tiêu tán!
Muốn vợ con mình, muốn phụ nữ trong làng ai nấy đều chăm lo công
việc nội trợ, việc nội trợ phải được khuyến khích, phải được đề cao và
mang hãnh diện lại cho những bàn tay phụ nữ khéo léo: những cuộc thi
về gia chánh, về thêu thùa vá may đã trở nên những trò bách hí trong
những ngày hội Xuân dân tộc.
Công việc gia chánh tuy ít mà nhiều, có thứ đã là phụ nữ thì phải biết, có
thứ biết được càng thêm hay, không biết cũng không phải là một điều
khiếm khuyết. Trong những cuộc thi về gia chánh tại các hội Xuân, các
cụ ta xưa đã chú trọng nhiều tới những công việc mọi phụ nữ đều phải
biết nếu muốn là người nội trợ được chồng thương yêu, được con mến
phục: thổi cơm, nấu thức ăn, làm những bánh trái thông thường, may cắt
quần áo.
Ai cũng biết rằng, hễ nói về gia chánh Việt Nam, công việc đầu tiên là
phải biết thổi cơm. Nồi cơm ngon, dù kém thức ăn, bữa cơm vẫn có thể
ngon được, trái lại, nếu nói cơm trên sống, dưới khê, tứ bề nát bét, thì dù
trong bữa ăn, thức ăn có là sơn hào hải vị, bữa cơm cũng không thể nào
ngon, món ăn chính là nồi cơm đã hỏng, thức ăn chỉ là phụ, làm sao đem
sự ngon cơm tới cho người ăn được.
Thổi cơm là cả một nghệ thuật, phải có trau dồi nghệ thuật mới tiến, bởi
vậy trong các cuộc vui về gia chánh tại các hội xuân, thi thổi cơm được
nhiều làng chú trọng tới.
Tuy không được biết tại tất cả những làng nào có thi thổi cơm trong dịp
hội Xuân, nhưng chúng tôi đã từng được chứng kiến tại một vài làng có
cuộc thi này như làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh
Phú), làng Chuông, tỉnh Hà Đông (Hà Tây). Ngoài ra chúng tôi cũng có