32
Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Nếp cũ gia đình và Lễ - Tết – Hội hè
Tác giả: Toan Ánh – Nhà xuất bản Trẻ
em bé, thường thường cho sản phụ là thức ăn, nhất là nước mắm ngon
để sản phụ ăn kiêng, còn quà cho em bé là vòng tay, vòng chân, quần,
áo v.v...
Tục cúng đầy cữ ngày nay còn tồn tại rất ít, chỉ những gia đình hiếm
hoi mới làm lễ cúng để cho đứa trẻ đỡ ốm sài, hoặc người ta chỉ cúng
cho con đầu lòng, vì con đầu cháu sớm, người ta muốn theo đủ mọi tục
lệ cổ truyền. Ở thành thị rất ít người còn giữ tục này.
o
Cáo tổ tiên và thần linh
Tại nhiều nơi có tục, mỗi khi sinh con, nhất là con trai thường sửa lễ
để cáo với gia tiên và thổ công. Sinh con là một tin mừng, cần trình tổ
tiên rõ huyết thống đã thêm chồi thêm lộc để tổ tiên mừng và phù hộ
cho. Đã cáo với gia tiên, thì cũng cúng cả thổ công để xin ngài che chở
cho đứa nhỏ vì ngài là đệ nhất gia chi chủ.
Có nhiều nhà, ngoài việc cúng gia tiên và thổ công, người ta lại sửa lễ
ra cúng tại đình như để trình với đức Thành hoàng xin ngài ban phúc
cho đứa nhỏ. Lễ vật thường đơn sơ chỉ gồm có con gà, đĩa xôi, trầu cau,
rượu, vàng, hương, nhưng người ta rất thành tâm.
Thêm một suất đinh, nếu là con trai, hoặc thêm một nhành hoa, nếu
là con gái, là một việc đáng mừng cho bất cứ gia đình nào. Trước sự vui
mừng này, cầu xin che chở của thế giới vô hình cho em nhỏ là một điều
rất bình thường!
o
Bảo vệ hài nhi
Cha mẹ nuôi con bằng trời bể, thành ngữ này đã nói lên một phần nào
sự trông nom nuôi nấng con cái của cha mẹ.
Tiếng rằng sinh tử hữu mệnh, sống chết có số nhưng trong sự nuôi
con, cha mẹ đã phải chịu bao sự vất vả đắng cay, chống với số mệnh cố
bảo vệ lấy con mình, nhất là để con mình khỏi vì mình mà chết yểu.
Trong thời kỳ thơ ấu, có nhiều em nhỏ rất nhiều bệnh tật, và chống
lại những bệnh tật đó, cha mẹ đã mất bao công lao, phần thì lo thuốc
men, phần thì lo những phương thuật, cố làm sao nhân định thắng thiên,
nuôi cho được đứa con.