43
Thực hiện ebook:
HỌC THUẬT PHƯƠNG ĐÔNG
www.hocthuatphuongdong.vn
Chính vì tục kiêng tên, mà nhiều chữ phải cải chệch sang chữ khác:
hoa đổi là bông, hoàng đổi tên là huỳnh, nguyên đổi là ngươn, long đổi
là luông v.v...
Các kỳ thi ngày xưa có lệ kiêng húy, trong bài văn, thí sinh tuyệt đối
không được dùng những chữ tên nhà vua và các vị tôn tộc trực hệ. Tên
các vị tổ tiên xa của nhà vua có thể dùng được nhưng phải đánh ngoặc
cho khác đi.
Những chữ húy được yết tại trường thi: Phạm húy thì bị tội.
Ngoài ra, bố mẹ cũng kiêng gọi tên con trong lúc đi đêm hoặc trong khi
qua một nơi thanh vắng, e tà ma theo hành đứa nhỏ.
Tục kiêng tên nay đã mất ở nơi đô thị, nhưng ở một vài địa phương vẫn
còn giữ, nhất là kiêng tên các vị thần linh.
Ở đô thị, tên các vị vua chúa, anh hùng xưa kia vẫn được kiêng, nay được
đem đặt cho đường phố để tỏ sự sùng kính.
o
Tên của một người
Đã xét đến việc đặt tên, không thể không nói tới các loại tên của ta.
Ngoài tên tục hoặc tên húy ta hằng kiêng, một người thường có tên hiệu
và tên tự nữa.
Tên hiệu tức là biệt hiệu, thường do tự đương sự đặt lấy. Tên hiệu thường
ta có ý gói ghém ý nguyện ở trong.
Thí dụ: Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy hiệu là Bạch Vân Am, là có ý muốn
sống ở một am thanh vắng chỉ có mây trời.
Tên tự thường được đặt một cách làm sao để qua tên tự người ta có thể
liên tưởng tới chính danh của mình.
Như Trương Hán Siêu lấy tên tự là Trác Như nghĩa là nổi lên. Hai chữ
Trác Như nhắc tới chữ Siêu là cao cả.
Cũng có người dùng tên sông núi địa phương để đặt, ông Nguyễn Khắc
Hiếu lấy tên tự là Tản Đà. Hai chữ tên tự Tản Đà gồm núi Tản Viên và
sông Đà Giang, tức là sông núi địa phương quê của ông.