41
Thực hiện ebook:
HỌC THUẬT PHƯƠNG ĐÔNG
www.hocthuatphuongdong.vn
Con nuôi, đôi khi bỏ họ cha mẹ đẻ để lấy theo họ cha mẹ nuôi.
Chữ đệm dùng để nối liền họ với tên.
Thường đàn bà con gái dùng chữ thị, còn đàn ông con trai dùng mấy
chữ văn, đình, thế, huy, duy, hữu v.v...
Ngày nay, chữ đệm thường thay đổi nhiều, đàn bà con gái nhiều khi
không dùng chữ thị mà dùng những chữ khác để cho tên nghe được kêu
như chữ mộng, lệ, thùy v.v... và đàn ông con trai cũng dùng nhiều chữ
khác thay những chữ đã kể trên.
Tên chính là tiếng dùng để gọi, và là phần chót trong tính danh.
Như trên đã nói, tên được chọn sao để nói được cái sở nguyện của cha
mẹ, của kẻ mang tên, hay ít ra tên cũng phải có một nghĩa gì.
Con gái, người ta ưa lựa tên các thứ hoa, kèm trước một chữ đệm thật
văn vẻ, lan, cúc, mai, đào, liễu, liên. Các tên trên ghép vào các chữ đệm
có thể thành Mộng Lan, Thúy Liễu, Lệ Mai v.v...
Người ta cũng dùng tên bốn mùa để đặt cho con gái: Mộng Xuân, Lệ
Thu, Thúy Hạ, Diễm Đông...
Tên con trai, thường đặt những tên hùng mạnh hoặc có tính cách về nam
phái: Nhân, Trí, Dũng, Tín, Trực v.v...
Có khi để giản tiện, người ta lấy ngay năm sinh theo thập can hoặc thập
nhị chi để đặt cho con: Giáp, Ất, Bính, Đinh..., Tý, Sửu, Dần, Mão...
Cũng có người lấy địa đanh nơi sinh con đặt cho con: Thái (Thái Bình),
Định (Tân Định) v.v...
Tất cả những lối đặt tên trên chỉ có tính cách chỉ dẫn không phải nhất
thiết phải như vậy, nhất là ngày nay trong việc đặt tên có thay đổi nhiều.
Có điều, trong một nhà người ta vẫn tránh sự trùng danh, và xưa kia có
tục kiêng tên.
o
Tục kiêng tên
Không ai lấy tên các vị thần linh đặt cho con, cũng như không bao giờ
dùng tên một người trên để đặt cho con mình, e mang tội bất kính.