Toan Ánh
126
Giết được Lê Lai, quân giặc cho là đã giết được vua Lê,
không đề phòng nữa, vua Lê đã nhờ đó mà thoát thân gây
lại thế lực, tiếp tục chiến đấu cho đến năm 1428 toàn thắng
quân Minh, đem lại nền độc lập cho nước nhà, lập ra nhà Lê.
Ông Lê Lai đã liều mình cứu chúa, bỏ sự sống tìm cái chết,
để giúp vua Lê cứu được đất nước.
Nước nhà lúc đó, không có ông Lê Lai thì được, nhưng
không có vua Lê thì không xong, vì ai sẽ là người đánh đuổi
giặc Minh đang xâm lăng đất nước.
Ông Lê Lai đã vì nghĩa mà chết. Tấm gương sáng đã được
nêu cao. Và để ghi ơn người đã liều chết cứu mình, vua Lê
Thái Tổ khi sắp băng hà có truyền lại cho triều đình: hàng
năm, trước khi cúng giỗ mình, phải cúng giỗ ông Lê Lai.
Ông Lê Lai vì đất nước cứu chúa, thật đáng khen, nhưng vua
Lê Thái Tổ, người biết ơn ông Lê Lai, lại càng đáng khen hơn.
Xưa nay, hết chim thì bẻ ná, hết thỏ, giết chó săn là chuyện
thường tình, như Câu Tiễn giết Văn Chủng, như Hán Cao Tổ
giết Hàn Tín và Tiêu Hà, như Tống Thái Tổ giết Trịnh Ân,
vậy mà vua Lê Thái Tổ nhớ ơn ông Lê Lai chẳng là một việc
khác thường sao. Đáng khen lắm thay, nhất là ở chỗ bắt thần
dân, trước khi cúng giỗ mình, phải cúng người đã liều chết
thay mình, để công cứu chúa của Lê Lai được mãi mãi lưu
truyền cùng hậu thế.
Ân nghĩa trong lòng người Việt nam là như vậy, dù người
đó ở giai cấp nào.